Chân dung Thiếu tướng Trần Chí Cường, Bí thư Chi bộ đầu tiên của tổng An Cư. Ảnh: TL
Kéo dài từ Bắc đèo Phước Tượng đến phía Nam chân đèo Hải Vân, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng An Cư của huyện Phú Lộc có chưa đến 10 nghìn dân sống rải rác ở 22 thôn.
Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp từ đêm ngày 8 kéo sang 9/3/1945 ở Huế, do trường học bị đóng cửa nên một số thanh niên theo học ở Huế trở về quê. Rảnh rỗi nên họ mở lớp dạy hè cho các em nhỏ. Với sự hỗ trợ của Hội truyền bá Quốc ngữ, các thanh niên tiến hành vận động người biết chữ dạy cho người chưa biết, nhờ vậy mà cả 22 thôn của tổng An Cư đều có lớp dạy chữ Quốc ngữ. Lúc này, phong trào Việt Minh xuất hiện nhiều nơi. Sau thời gian theo dõi, Huyện ủy lâm thời Phú Lộc đã cử 2 ông Võ Bính và Lê Thúc Khánh bắt liên lạc, giác ngộ nhóm học sinh đang truyền bá chữ Quốc ngữ ở tổng An Cư tham gia Việt Minh.
Thiếu tướng Trần Chí Cường, nguyên lãnh đạo khởi nghĩa tổng An Cư trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho biết :“Qua hoạt động thực tế, chúng tôi tìm được quần chúng tốt và đáng tin cậy. Từ đây, chọn ra lực lượng trung kiên thành lập Hội Việt Minh gồm 40 hội viên. Trong số đó có một số hội viên tiêu biểu về mọi mặt được chọn để kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đêm 1/5/1945, Chi bộ đầu tiên của tổng An Cư được thành lập, gồm các đảng viên: Trần Thanh Nhã, Trần Lưu, Trần Lý (thôn Phước Hưng), Nguyễn Văn Phiên (thôn Phước Lộc), Phạm Trác, tức Phạm Hữu Xuân (thôn Phú Xuyên), Nguyễn Đạt, tức Nguyễn Hà (thôn Bình An) và Nguyễn Hữu Tiềm (thôn An Cư Đông) do ông Trần Thanh Nhã làm Bí thư.
Tiếp thu tinh thần hội nghị Tỉnh ủy ở đầm Cầu Hai (23/5/1945), Huyện ủy lâm thời Phú Lộc chỉ đạo Chi bộ tổng An Cư đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và giác ngộ quần chúng. Nhờ vậy, số người có cảm tình với Việt Minh ngày một tăng cao.
Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, từ ngày 10/8/1945, 7 đảng viên cùng 10 hội viên Việt Minh ở tổng An Cư quyết định thoát ly gia đình, rút vào hoạt động bí mật.
Họ lấy ngôi nhà của bà Dung (vợ đảng viên Trần Lưu) ở Phước Hưng làm nơi họp chi bộ và gặp gỡ quần chúng cốt cán bàn chuyện tổ chức cướp chính quyền tổng An Cư.
Khi biết tin quân Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương, ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định chọn Phú Lộc và Phong Điền làm điểm phát động giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, tạo điều kiện cho Huế tiến hành khởi nghĩa.
Nhận chỉ thị từ Ủy ban Khởi nghĩa, Bí thư Chi bộ tổng An Cư Trần Thanh Nhã phân công các đảng viên bám các thôn vừa bí mật vừa công khai vận động Nhân dân tự vũ trang cho mình, chờ đón thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền.
Chị em phụ nữ được vận động tìm mua phẩm đỏ và nghệ để nhuộm vải may cờ. Thiếu niên được giao nhiệm vụ rải truyền đơn. Còn người lớn tuổi chuẩn bị trống mõ, thanh la, chiêng…Việt Minh tổng An Cư còn vận động các chùa, nhà thờ gióng chuông làm hiệu lệnh tập hợp quần chúng...
Theo Thiếu tướng Trần Chí Cường, lúc này các thôn đều lập đội tự vệ. Mỗi đội có 7 người vừa làm nhiệm vụ canh gác vừa truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của trên.
Đúng 17 giờ ngày 20/8/1945, tiếng chuông từ các nhà thờ, đình chùa gióng giả vang lên. Tiếp đó là tiếng mõ, trống, chiêng, thanh la và tiếng reo hò. Mặt đất như rung chuyển. Hàng trăm người mang theo gậy gộc, dao rựa, liềm, búa, côn, kiếm… tề tựu về bãi đất rộng ở trước đình làng Phước Hưng (cồn ông Tương) dự lễ ra mắt Ủy ban Khởi nghĩa tổng An Cư.
Sau khi nghe ông Trần Thanh Nhã đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Tri Phương, đám đông đồng thanh hô vang các khẩu hiệu: “Hoan hô Việt Minh”;“Việt Nam độc lập”; “Đả đảo Nhật-Pháp và bọn Việt gian bán nước”.
Cuộc tập họp ban đầu chưa thành hàng ngũ đã nhanh chóng chuyển thành hai hàng dọc kéo dài. Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tổng An Cư Trần Thanh Nhã cưỡi ngựa, mang súng ngắn dẫn đầu đoàn người và biến thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang thị uy, đi qua các làng biểu dương lực lượng, hạ uy thế chính quyền thân Nhật. Đoàn biểu tình đi tới đâu, hào lý ở đó đều ra trình diện, nộp triện và các tài liệu. Chính quyền cách mạng lâm thời các thôn theo đó được thành lập.
Trong 3 ngày, đoàn biểu tình kéo đi mỗi lúc mỗi đông. Các nhà giàu hảo tâm nấu cơm, mổ cả trâu, bò, lợn, gà tiếp tế cho đoàn. Bốn nhà thờ Công giáo, 2 nhà chùa, cả linh mục, tu sĩ, kể cả ông cố đạo người Bỉ cũng đều ngả theo Việt Minh. Từ Nước Ngọt, đoàn biểu tình kéo vào Thừa Lưu rồi vào Lăng Cô.
Theo Thiếu tướng Trần Chí Cường, trong ngày 22/8, tổng An Cư đã lập xong chính quyền cách mạng.
Từ ga Lăng Cô, chiều tối ngày 22/8, ông Hoàng Lượng bố trí hẳn một chuyến tàu để chở đoàn biểu tình chạy ra Huế ngay trong đêm để kịp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế ngày 23/8/1945, góp phần tạo nên khí thế hào hùng của dân tộc.
75 năm đã trôi qua, tổng An Cư xưa sau khi giải tán đã có nhiều thay đổi. Dưới chính quyền cách mạng, tổng được chia thành 4 xã: Đại Hòa, Đại Thuận, Đại Hải, Đại Quan; sau khi thực dân Pháp tái xâm lược năm 1947, rút gọn thành 2 xã: Tân Lộc, Vĩnh Lộc và hiện nay mang tên mới: Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô nằm gọn trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
PHẠM HỮU THU