ClockThứ Bảy, 30/04/2022 15:52

Những ngày không quên

TTH - Là những người lính, người du kích đi qua chiến tranh, được chứng kiến quê hương, đất nước giải phóng, thống nhất thì đó là thời khắc chẳng thể nào quên. Niềm vui đó, họ không chỉ nhận cho riêng mình mà còn chứng kiến thay cho những đồng đội, đồng chí vừa ngã xuống trước ngày độc lập.

Đổi thay từ những công trìnhTrưng bày chuyên đề “Chiến khu Hoà Mỹ - Căn cứ địa cách mạng của Thừa Thiên Huế”Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân 47 năm Ngày giải phóng quê hương

Người chiến sĩ an ninh can trường

Năm 17 tuổi, chàng thanh niên trẻ Lê Thanh Phong (sinh năm 1948, quê Quảng  Thái, huyện Quảng Điền) không sợ hiểm nguy, bom đạn xung phong tham gia lực lượng an ninh huyện. Với sự gan dạ, nhanh nhẹn của mình, ông được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Trinh sát an ninh huyện Quảng Điền.

Ông Lê Thanh Phong kể về những ký ức một thời trên bom dưới đạn mà mình đã trải qua

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông từng bị địch bắt, giam cầm ở nhà tù Phú Quốc. Sau khi được trao trả tại Trung ương cục miền Nam, ông được Khu ủy Trị Thiên Huế cử đi an dưỡng và học tập ở Bắc (Ban B Quảng Bình). Tháng 12/1974, ông trở lại chiến trường Thừa Thiên Huế và về lại đồng bằng, hoạt động ở huyện Quảng Điền.

Khi trở về, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội Trinh sát an ninh huyện (có 4 thành viên), đội của ông thường xuyên nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh đợt 1. Lực lượng trinh sát nắm chắc tình hình địch, hiểu rõ đường đi nước bước của địch, thời gian địch về càn, nên đội trinh sát an ninh của ông cũng đã lập được không ít chiến công.

Ông nhớ lại, khoảng 5 giờ sáng ngày 10/3/1975, khi sương mù còn dày đặc, lực lượng du kích xã, Đội Trinh sát an ninh và lực lượng bộ đội địa phương đồng loạt truy kích, dồn địch vào thế bị động và phải rút lui khỏi xã Quảng Thái, Quảng Lợi.

Sau khi xã Quảng Thái, Quảng Lợi được giải phóng vào tháng 3 năm 1975, địch cay cú nên chúng quyết tâm phản kích. Lính ngụy từ trung tâm huyện Quảng Điền, từ thôn Triều Dương xã Phong Nhiêu (nay là xã Phong Hiền, lúc đó địa phận xã Phong Nhiêu được giao cho huyện Quảng Điền, bởi đây là địa thế có chiến lược trung chuyển, làm bàn đạp cho quân ta vận chuyển lương thực, thương binh, bộ đội hành quân lên chiến khu) cùng với quân chi viện từ Quảng Trị vào bao vây tấn công quân ta dồn dập. Sau đó địch tiếp tục mở rộng, càn lên thôn Triều Dương (Phong Nhiêu). Mặc dù quân địch bao vây tứ phía, tấn công dồn dập nhưng quân và dân ta cũng bắn cháy 3 xe tăng, 2 xe bọc thép...

Trong trận đánh đó, tôi bị thương và được đưa về chiến khu và sau đó được đưa ra Quân y viện Z111 (ở Thanh Hóa) điều trị. Không được tham gia đánh giặc tiếp cho đến ngày Thừa Thiên Huế và đất nước giải phóng, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc được nghe tin đất nước hoàn toàn thống nhất. Khi đó, tôi đang ở  Quân y viện Z111, vết thương còn chưa lành hẳn, nhưng nghe tin đất nước giải phóng, mừng quá tôi nhờ người chở đến ga tàu, nhảy tàu vào lại Ban B Quảng Bình, sau đó từ Quảng Bình để tiếp tục đi về Huế để cùng ăn mừng chiến thắng, mừng quê hương được giải phóng.

Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục công tác trong ngành Công an và đã giữ chức vụ như Trưởng Công an huyện Hương Điền, Trưởng Công an huyện Quảng Điền và trưởng một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cô du kích lanh lợi

Theo lời giới thiệu của ông Lê Thanh Phong, chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Đào (75 tuổi, ở Tứ Hạ, Hương Trà) để nghe tiếp câu chuyện về những trận đánh ở Trạm phẫu tiền phương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cô du kích Phạm Thị Đào nay tuổi đã cao nhưng những ký ức về ngày giải phóng vẫn nguyên vẹn, không thể nào quên

Yêu quê hương, mang trong mình lý tưởng cách mạng, cô gái trẻ Phạm Thị Đào tham gia đội du kích xã khi tuổi mới mười tám đôi mươi.

Vốn nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, cô du kích trẻ thời bấy giờ được giao nhiệm vụ làm công tác địch vận, tuyên truyền hiệp định và vận chuyển thương binh lên chiến khu. Có một lần, cô du kích Phạm Thị Đào cùng 2 người nữa vào ấp chiến lược để  tuyên truyền và kết nối với cơ sở bí mật của ta ở trong dân thì bị tình báo của địch phát hiện. Khi cả ba người vừa hoàn thành nhiệm vụ, trở ra, thì bọn địch bấm mìn, cả ba may mắn thoát chết chỉ trong gang tấc.

Đối với cô du kích trẻ thì trên bom, dưới đạn hay ra sống vào chết là điều chẳng còn xa lạ, nhưng tận mắt thấy và đếm xác 33 đồng đội là những thương binh bị giặc sát hại tại Trạm phẫu Tiền phương trong trận càn của địch vào 12/3/1975 trước ngày giải phóng không lâu là nỗi ám ảnh, tiếc nuối mà mỗi lần nhắc đến, kể lại, cô không kìm nổi nước mắt.

“Trên đầu là máy bay, ngoài là trận địa pháo, Trạm phẫu Tiền phương khi đó chẳng khác gì nằm giữa lòng chảo của địch. Chúng dốc toàn lực càn quét, khiến quân ta thương vong rất nhiều. Những người còn sống thì rút ra khỏi Trạm phẫu tiền phương, lên rừng. Tôi may mắn không bị thương, nên được giao nhiệm vụ chăm sóc thương binh Mai Thị Dung, sống sót trong trận càn”, bà Đào kể lại.

Đến sáng 14/3/1975, quân ta tìm cách quay về Trạm phẫu Tiền phương để tìm xác đồng đội và chôn cất. Tôi được giao nhiệm vụ ở nhà nấu cơm, nhưng ở nhà sao được, khi lòng như lửa đốt. Khi ra đến Trạm phẫu, nhìn một cánh tay phụ nữ giơ lên, với cái áo quen thuộc, tôi òa lên khóc ngất, bởi tôi biết đó chính là chị Nguyễn Thị Thanh Tiệm (quê Quảng Thái). Hôm trước khi địch càn, tôi và chị đổi áo cho nhau. Hai chị em tâm sự với nhau rất lâu, kể về người thương chị, chị đọc cho tôi nghe những bức thư vừa mới nhận mà chưa kịp viết thư hồi đáp…

Chị cũng chính là người trúng quả pháo đầu tiên của địch trong trận càn, khi chị được đưa về trạm xá, gặp anh bộ đội Nguyễn Trọng Lý, cũng bị thương nhẹ, anh kể vì bị thương nặng, nên khi anh muốn dìu chị ra khỏi đó, chị quyết không đi và bảo anh Lý nhanh chóng rời khỏi đó kẻo địch vào đến nơi rồi. Khi đó, trên tay chị vẫn đang cầm sẵn quả lựu đạn đã rút chốt,  đợi địch đến là chị sẽ cho lựu đạn nổ. Anh Lý vừa rời khỏi đó không lâu thì nghe tiếng lựu đạn nổ, chị Tiệm đã hy sinh...

Thế là tôi phải tiếp tục nuốt nước mắt để giấu xác chị và tìm, đếm xác những đồng đội khác, đợi người của ta đến chôn cất. Và cái áo của tôi, đã bên chị, mãi mãi nằm lại ở đó, dưới lòng đất. Chị hy sinh chỉ trước ngày giải phóng quê hương đúng 11 ngày”, giọng bà chùng lại, nước mắt lăn dài trên má...

Sau khi Thừa Thiên Huế giải phóng, bà Đào cùng các đồng đội được lệnh từ chiến khu về lại để tiếp quản Quảng Điền. 

Ngày nhận tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bà vẫn nhớ: “Khi đó vừa trở về huyện, sáng sớm tôi cùng một số anh em đang đến từng thôn, xóm để tuyên truyền, thì nghe tin ngụy quyền trung ương ở Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, lá cờ cách mạng đã phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hò reo sung sướng. Niềm vui đó, khoảnh khắc đó, tôi chẳng bao giờ quên, và khi đó tôi đã ước, ước gì những đồng đội của tôi vẫn sống, thì niềm vui này sẽ trọn vẹn hơn. Nhưng chiến tranh mà, tôi sẽ nhận niềm vui đó cho cả chị Tiệm và nhũng người đồng đội đã hy sinh”, bà  Đào xúc động.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng: Dân chủ để dân đồng thuận

Phát huy dân chủ ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân đối với các chương trình, dự án (DA) trọng điểm đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị của TP. Huế triển khai thực hiện với quyết tâm: Tạo được sự đồng thuận của người dân.

Giải phóng mặt bằng Dân chủ để dân đồng thuận
Giải phóng mặt bằng: Đối thoại để gỡ khó

Tăng cường đối thoại, gặp gỡ người dân không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương, mà còn là sự kỳ vọng, mong muốn của người dân trước những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Giải phóng mặt bằng Đối thoại để gỡ khó
Tăng tốc trên các công trường có vốn đầu tư công

Gấp rút thi công các hạng mục cần thiết trước mùa mưa bão là không khí chung tại hầu hết các dự án đầu tư công trên địa bàn. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tiến độ thực hiện các thủ tục giải ngân trong thời gian tới.

Tăng tốc trên các công trường có vốn đầu tư công
Nặng lòng với mảnh đất quê hương

Xa quê ngót nghét 40 năm, ông Hoàng Minh Sang quyết định trở về xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), đem cái nghề của mình gieo trồng những hạt giống trên mảnh đất quê hương. Thời tiết miền Trung khắc nghiệt khiến kinh nghiệm bao năm ở xứ người của ông cũng phải học lại, nhưng tình yêu quê hương, đam mê trồng dưa lưới đã khiến những khó khăn nhất cũng phải “cúi đầu”. Đến nay, người đàn ông sinh năm 1964 đã có nhiều thành công và trở thành gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nặng lòng với mảnh đất quê hương
Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương

Sáng 27/6, Tỉnh đoàn - Ủy Ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức lễ xuất quân Hành trình “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với biển, đảo quê hương” năm 2024.

Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương
Return to top