Trong khi chúng ta bao vây, giam chân quân Pháp ở Huế thì ngày 18/1/1947, từ Đà Nẵng, Pháp đã đổ quân lên Bãi Chuối - Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc.
Thiếu tướng Trần Chí Cường, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc trong những ngày đầu chống Pháp cho biết:
- Thời kỳ này, trên đã bố trí Tiểu đoàn 18 Vệ Quốc đoàn do đồng chí Dũng Oánh (quê ở Cao Bằng) làm Tiểu đoàn trưởng, các đồng chí Nguyễn Sanh Thí và Lê Hinh là Tiểu đoàn phó về đóng quân ở Phú Lộc. Một đại đội chốt ở Phú Gia, Lăng Cô và đèo Hải Vân, một đại đội ở Thừa Lưu - Nước Ngọt, một đại đội đóng ở Cầu Hai - Tư Hiền. Còn Tiểu đoàn bộ đóng ở Cầu Hai.
Bãi Chuối - Lăng Cô, nơi quân Pháp đổ quân ngày 17/1/1947
Ngày 18/1/1947, 550 quân Pháp được tàu hải quân hộ tống đổ bộ vào vịnh Bãi Chuối và cửa Phú Gia để đánh bọc lại đèo Hải Vân từ phía bắc.
Ngày hôm sau, quân Pháp cùng nhiều đơn vị Âu - Phi thiện chiến đổ bộ lên cửa biển Cảnh Dương. Đạo quân này do tên đại tá Larroque chỉ huy. Chúng tấn công dọn đường bằng pháo hạm rất ác liệt, máy bay ném bom trước rồi hành quân bằng bộ binh cơ giới dọc theo quốc lộ số Một.
Giặc Pháp rải quân chiếm đóng, đến đâu là bắt bớ, đốt phá, giết chóc nhân dân đến đó. Lực lượng chiến đấu của ta phải rút lui để bảo toàn. Sau khi đổ bộ lên Cảnh Dương và lập xong bãi đổ bộ, quân địch đánh chiếm Thừa Lưu, Nước Ngọt và đèo Phước Tượng. Các đơn vị của ta đã thực hiện làm chậm bước tiến của chúng. Tuy nhiên, do vũ khí và lực lượng quá mỏng nên quân ta phải rút về Đá Bạc.
Ngày 21/1/1947, giặc Pháp chiếm huyện lỵ Cầu Hai. Cơ quan Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến di chuyển lên Truồi.
Quân địch bị ta đánh quyết liệt ở Đá Bạc. Nơi đây có tuyến chiến hào với các ụ súng tốt hơn.
Trong hai ngày 29 và 30 tháng 1/1947, quân Pháp bị chặn lại ở sông Truồi. Khúc sông rộng chừng 80m, trên bờ có chiến hào với các ụ súng kiên cố và vật cản bằng các thân cây to cùng các đường ray tạo thành các vật chướng ngại lớn. Kẻ địch bị ta cầm chân và tiêu hao một số, mãi đến ngày 3 tháng 2 năm 1947, chúng mới vượt được qua Nong để về Phú Bài.
Diễn tiến ở Mặt trận Phú Lộc khá phù hợp với tường thuật của tướng Yves Gras:
- Quốc lộ I nối liền Đà Nẵng với Huế chỉ dài 100km đã bị cắt đứt nhiều đoạn, buộc quân Pháp phải tổ chức đổ bộ đường biển vào vùng sau lưng đối phương mới có thể tiến nhanh hơn để đến gần mục tiêu chính.
Tướng Bourgound đã sử dụng vào cuộc hành quân mang tên “Francois” này ngoài lực lượng trên đất còn có thêm ba tiểu đoàn và một pháo đội thủy quân Battat.
Ngày 18/1, tàu Hải quân chở 550 quân đổ bộ vào vịnh Bãi Chuối và vào cửa đồn Phú Gia để đánh quật lại đèo Hải Vân từ phía Bắc.
Ngày 20/1/1947, 1.000 quân đổ bộ lên bãi Chân Mây xa hơn về phía Bắc. Hải quân đã đặt ở đây một căn cứ tiếp tế nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì gió mùa, thời tiết xấu và biển động dữ dội. Ngày 20/1, các toán đổ bộ vào đồn Cầu Hai nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì đối phương đóng nhiều cọc và thuyền đắm chở đầy đá.
Đạo quân đi giải vây do Đại tá Larroque chỉ huy đã tiến cách Huế 30km, nhưng hành quân một cách hết sức chậm chạp theo con đường kẹp giữa cánh đồng và các dãy núi phía Tây, vượt qua được Đá Bạc, một tuyến ngăn chặn của đối phương.
Ngày 29 và 30/1/1947, cánh quân này bị chặn lại ở nam sông Truồi rộng chừng 80m, quân Việt Nam đã cấu trúc ở đây một chiến hào với các ụ súng kiên cố và vật cản bằng thân cây hoặc đường ray cùng các bức tường bằng đất. Một đại đội thuộc binh đoàn bộ binh thuộc địa số 23 đi ngược dòng bờ Nam sông khoảng 3km, bơi qua sông tấn công vào cạnh sườn tuyến phòng thủ của đối phương. Theo kiểu trên, quân Việt Minh còn chặn đánh quân Pháp trên sông An Nông và sông Phú Bài.
Ngày 3/2/1947, cánh quân này tiến đến sân bay Phú Bài và ngày hôm sau, trong lúc quân dù xuất phát từ biển vào sông Hương đã lọt vào được thành phố Huế theo hướng Đông Bắc, thì một đại đội của trung đoàn bộ binh thuộc địa đã liên lạc được với binh đoàn phòng thủ ở An Cựu.
Dù quân số ít, vũ khí thô sơ nhưng Mặt trận Phú Lộc đã ngoan cường chiến đấu kìm bước tiến của địch, làm 3.000 quân của tướng Bourgound phải mất 18 ngày mới vượt qua quãng đường 60 cây số để giải nguy cho đồng bọn sau 50 ngày đêm bị bao vây ở Huế. Đó là bản anh hùng ca cứu nước đầy bi tráng và bất tử của quân và dân Thừa Thiên Huế trong những ngày đầu hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu