ClockThứ Tư, 06/11/2024 06:00

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 5: Giữ vững vai trò kiến tạo cho xứ sở hạnh phúc

TTH - Suốt chặng đường dài vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động tổ chức khảo sát, thu thập thông tin phục vụ thẩm tra các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Từ đó, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết (NQ) để tạo cơ sở hoàn thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2: Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tinNhững nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 3: Tăng cường giám sát, lắng nghe người dânNhững nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 4: Thực hiện cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển

Ngày 2/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Kết luận số 972/KL-UBTVQH15 về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế trực thuộc Trung ương giai đoạn 2023 - 2025. Và tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 21/10), Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Xung quanh các hoạt động của HĐND tỉnh với mục tiêu kiến tạo chính sách, góp phần đưa Huế đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, chúng tôi ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh.

Trung tướng Lê Tấn Tới 

Trung tướng Lê Tấn Tới, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều nghị quyết có ý nghĩa

Tôi nhận thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của HĐND các cấp ở Thừa Thiên Huế được nâng lên rõ rệt. Hoạt động của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều điểm nhấn, điển hình là việc tổ chức 19 kỳ họp chuyên đề cho thấy sự sâu sát của HĐND, bám sát các vấn đề mới, phát sinh, từ đó ban hành những quyết sách có ý nghĩa, tạo cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, công tác giám sát đạt hiệu quả rất cao trên các lĩnh vực…

Quốc hội ban hành NQ số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là “chìa khóa” quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh bứt phá trong tương lai mà mục tiêu lớn nhất là đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Thời gian tới, UBTVQH và tôi rất mong các cấp, các ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, HĐND tỉnh nói riêng tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; khắc phục khó khăn, thách thức để hoàn thành, đạt hiệu quả cao các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ này. Đặc biệt, Đảng bộ và HĐNĐ tỉnh tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện tốt các dự án luật đã có hiệu lực.

Tôi tin tưởng Thừa Thiên Huế luôn là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước và quốc tế; Huế là thành phố di sản mang tầm khu vực và quốc tế.

 Bà Nguyễn Thị Sửu

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Niềm tin của cử tri là thước đo cho sự hiệu quả của nghị quyết

Qua theo dõi các kỳ họp của HĐND tỉnh, tôi tán thành cao với việc ban hành các NQ. Trong đó, có nhiều NQ sớm đi vào cuộc sống, có sự ảnh hưởng trên nhiều mặt, đặc biệt là việc điều chỉnh các hành vi xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng – an ninh và hoàn thiện hệ thống chính trị.

Việc ban hành số lượng nhiều NQ của HĐND tỉnh với mục đích là hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt là hoàn thiện những “bước đi”, giúp sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mặc dù vậy, tôi nhận thấy, việc ban hành NQ ở các kỳ họp chuyên đề nhiều hơn kỳ họp thường lệ là vấn đề cần xem xét lại. HĐND tỉnh cũng cần có sự điều chỉnh, bởi NQ cũng là một dạng luật, vì vậy nên có sự sắp xếp dàn đều, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cũng cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu các văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh xem xét, từ đó không bỏ lỡ hay làm chậm vấn đề nào đó gây trở lực cho sự phát triển.

Tôi cũng cho rằng, sau khi ban hành NQ, HĐND tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện NQ; đồng thời chú trọng công tác giám sát của giám sát, tức là cần giám sát việc ban hành kết luận giám sát trước đó xem đối tượng được giám sát thực hiện các kiến nghị có đảm bảo hay không. Bởi thực tế hiện nay, thước đo lớn nhất của việc ban hành NQ, giám sát việc thực hiện NQ chính là niềm tin của cử tri.

Bà Nguyễn Thị Ái Vân 

Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế: Nâng cao hơn nữa vai trò của đại biểu HĐND tỉnh

Với 560 NQ được ban hành từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay cho thấy, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử lý một khối lượng công việc rất lớn. Nhiều NQ được HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp đã kịp thời thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành triển khai thực hiện và tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn. Đặc biệt là cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và NQ 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tôi đánh giá cao công tác tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh theo hướng đổi mới về phương thức. Các tài liệu được trình bày tại kỳ họp ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm. Đối với hoạt động giám sát, khảo sát cũng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng nâng cao chất lượng; nội dung giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm và là những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm. Tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh cũng xem xét các báo cáo kết quả thực hiện những nội dung kiến nghị của các chương trình giám sát để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử.

Đa số các đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, giữ các chức vụ chủ chốt ở các sở, ban, ngành, địa phương đang ít nhiều tạo ra trở lực, bởi họ phải dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ của ngành, địa phương mình. Tuy nhiên, để phát huy vai trò đại biểu dân cử, các đại biểu cần bố trí thời gian hợp lý để tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐND.

Trong bối cảnh Thừa Thiên Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh cần được thể hiện rõ nét hơn nữa, đặc biệt là việc kiến tạo các chính sách phù hợp, góp phần tạo cơ sở, nền tảng để Huế khẳng định vị thế là đô thị di sản hàng đầu của cả nước.

 Ông Nguyễn Văn Thạnh

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng ban Văn hóa – xã hội của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế: Các nghị quyết đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách liên quan

Tôi cho rằng, nhiệm kỳ 2021-2026, các NQ của HĐND tỉnh ban hành mang tính toàn diện, trên tất các các lĩnh vực. Đây là cơ sở để thúc đẩy, hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.

Trong nhiều NQ được ban hành, có những NQ được ban hành lần đầu tiên trên toàn quốc như, NQ về hỗ trợ bảo tàng tư nhân. NQ này đã cụ thể hóa các chính sách, cơ chế thúc đẩy hệ thống bảo tàng tư nhân phát triển.

Cá nhân tôi ấn tượng với các NQ liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Cụ thể là các NQ về đầu tư công để đầu tư, trùng tu hệ thống di tích, đặc biệt là công tác trùng tu di tích nằm trong hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế. Đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, HĐND tỉnh cũng có NQ 18 xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, từ đó tạo động lực để các địa phương bố trí nguồn lực, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích. Qua đó, tạo nên hệ thống chính sách phù hợp để phát triển đô thị di sản.

Trên lĩnh vực giáo dục, ngoài NQ chung về chính sách phát triển giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh, thì những NQ riêng cho từng cấp học, trường học cũng được quan tâm. Qua đó, tạo ra nhiều chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng chế độ khen thưởng cho học sinh có thành tích cao, tạo động lực phấn đấu cho ngành giáo dục nói chung.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua
Return to top