ClockThứ Năm, 06/04/2017 06:01

Cửa khẩu Hồng Vân một lần đến

TTH - Có đến cửa khẩu Hồng Vân- mảnh đất biên giới thuộc xã Hồng Vân, huyện A Lưới, mới hiểu được những gian khổ của người lính biên phòng. Bước chân tuần tra của các anh qua ngày dài đêm sâu, giữ bình yên cho cuộc sống...

Bộ đội Biên phòng đồn Hồng Vân tuần tra cột mốc 644 giữa Việt Nam và nước bạn Lào

Đó là ngày giữa tháng ba nắng ấm. Một người lính biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân “nhận lệnh” làm tài xế đưa tôi đến Trạm kiểm soát cửa khẩu Hồng Vân. 5 giờ chiều, “con ngựa sắt” của chúng tôi rời đường Hồ Chí Minh (địa phận thôn Kê, xã Hồng Vân), bắt đầu cuộc hành trình trên con đường đèo dốc uốn lượn ngoằn ngoèo, bên rừng cao, bên thung lũng sâu. Chỉ chừng mươi phút sau, nắng “rơi” đâu mất phía chân dốc. Sương giăng trắng khiến người lính biên phòng đã từng quen thuộc cung đường này cũng phải chạy thật chậm, bởi nếu không cẩn thận, e chừng cả người và xe lao xuống vực. Trong màn sương, bên vệ đường hiện ra những căn chòi nhỏ bé, vắng lặng. Đó là chòi của người dân đi làm rừng, làm rẫy dài ngày ở lại.

Trạm kiểm soát cửa khẩu sát bên đường trên triền dốc. Cách đó không xa là cột mốc 645- mốc giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, uy nghi vững chãi. Sau khi đứng nghiêm đưa tay chào cột mốc, Đại úy Nguyễn Hữu Vũ, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ cửa khẩu Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân giọng đầy tự hào giới thiệu về đường biên, những cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, về vùng đất các anh gắn bó không phải tính bằng năm tháng mà đúc kết bằng những đêm lội rừng tuần tra gian nan...

Trên đường tuần tra

8 giờ tối. Từng vạt sương theo gió núi bay vào hiên nhà. Chúng tôi như ngồi giữa những đám mây trắng bồng bềnh. Ngoài kia là rừng đêm trùng trùng thâm u. Sự vắng lặng khiến lòng tôi nôn nao, chạnh nhớ căn nhà nhỏ nơi phố xá rộn rã. Nơi tôi vừa rời xa chỉ mới 1 ngày. Ấy vậy mà Trung úy Vũ Xuân Trường, Đội trưởng Đội thủ tục Trạm kiểm soát cửa khẩu Hồng Vân biền biệt xa vợ và đứa con trai mới 2 tuổi; Trung úy Nguyễn Thành Luân, nhân viên thủ tục xa người vợ trẻ; vợ và hai con nhỏ của Đại úy Nguyễn Hữu Vũ ở tít tận Hà Nội... Nói về nỗi nhớ, Luân cười bình dị, bảo đã là người lính, nhất là người lính biên phòng thì xa cách gia đình, vợ con là chuyện bình thường. “Sóng điện thoại ở đây rất yếu. Ở trong nhà không “bắt” được, phải ra sân hoặc xuống hẳn dưới đường. Vậy nên, những hôm mưa gió, không gọi được về nhà, anh em đành “nhớ chay”-Luân lại cười.

Hằng đêm, lúc mọi người bình yên trong giấc ngủ, trong chăn ấm, những người lính biên phòng cửa khẩu, mỗi tổ 2, 3 người lại “nối” ca nhau xuyên đêm. Tuần tra trong đêm đã vất vả, đêm mưa gió càng vất vả bội phần. Áo ấm, áo mưa mấy lớp nhưng đôi lúc cũng “chẳng là gì” so với cái rét buốt của mưa rừng, gió núi. “Nghĩ đến nhiệm vụ gian khổ của người lính là để bảo vệ bình yên nơi biên cương, bảo vệ cuộc sống của Nhân dân, anh em vượt qua vất vả “nhẹ nhàng” hơn”- Trường chia sẻ.

Đêm tuần tra, các anh đến cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng với bà con dân bản, thủ thỉ trò chuyện, vận động bà con không đốt nương, phá rừng... Đồng bào đáp lại tấm lòng của các anh bằng  nụ cười, bằng củ sắn, bắp ngô thơm lừng, ấm áp. Tình cảm đó các anh cũng nhận được từ người dân hàng ngày vào trạm cửa khẩu làm thủ tục qua lại. “Ở đây người dân hai bên chủ yếu qua lại thăm người thân. Mỗi lúc họ vào làm thủ tục, chúng tôi thường hỏi han sức khỏe, cuộc sống. Thế rồi nhiều người trở thành người quen của mình lúc nào chẳng hay”. Trường kể, cái áo cái quần, hay đôi giày cũ của bộ đội biên phòng cho đối với bà con quí lắm. Họ giữ gìn cẩn thận để sử dụng trong lúc làm nương, làm rẫy. Nhưng quý nhất vẫn là cái tình. Thỉnh thoảng bà con từ Lào có nếp, ngô ngon đều dành phần và mang vào cho anh em trong trạm...

10 giờ đêm. Cây bưởi trước sân tỏa hương ngan ngát. Đêm biên giới thật sâu. Thật lắng.

Một lần đến Trạm kiểm soát cửa khẩu Hồng Vân, đến với những người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi đây, nhưng tôi biết, mình sẽ mãi mang theo trong ký ức màu sương núi trắng trời, hương hoa bưởi bình yên và cả tiếng chổi tre khẽ đánh thức ban mai. Vừa quét lá trên sân, Đại úy Nguyễn Hữu Vũ, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ cửa khẩu Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cười hiền bảo, anh chẳng nề hà khi làm việc này, bởi người lính biên phòng ở đây đều như người thân ruột thịt trong một nhà...

Quỳnh Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Muốn bảo vệ vững chắc biên giới phải hiểu biên giới

Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế” và cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế”, do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; nâng cao kiến thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biên giới, biển, đảo trong tình hình mới.

Muốn bảo vệ vững chắc biên giới phải hiểu biên giới
Phát động các cuộc thi về biên giới, biển đảo

Ngày 7/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế” và cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế” năm 2024.

Phát động các cuộc thi về biên giới, biển đảo
Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới

Ngày 4/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Quân y 268 Quân khu 4, tổ chức chương trình kết hợp Quân dân y năm 2024, khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân khu vực biên giới xã Vinh Hiền (Phú Lộc).

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top