ClockThứ Ba, 01/09/2015 07:01

Nơi “Người nghèo cũng bằng người khá ở vùng đất khác”

TTH - Những cư dân thủy điện đầm Cầu Hai đóng góp rất lớn cho thành công của cách mạng tỉnh nhà. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện mang ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 mà tiêu biểu là hội nghị đầm Cầu Hai lịch sử.

Diện mạo mới

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là thôn Trung Hưng, xã Vinh Hưng (Phú Lộc). Dừng chân thăm miếu Vạn (xây dựng năm 1935) ông Nguyễn Hiều (sinh năm 1942) chia sẻ: “Năm 1930, thấy đầm phá tôm cá nhiều, Trưởng làng Phụng Chánh lúc đó là ông Xạ Dung đã kêu gọi người dân Vinh Hà (Phú Vang) và các vùng lân cận về vùng đất này sinh sống để đánh bắt, dần dần hình thành nên xóm vạn Trung Chánh. Cư dân sống theo đuôi con cá, đi khắp vùng đầm Cầu Hai để mưu sinh và góp công cho cách mạng. Mãi đến năm 1979 mới họp dân để bầu và tách ra thành thôn Trung Hưng”. Lịch sử thành lập thôn, đáng chú ý là thời điểm sau năm 2009, chủ trương của Nhà nước đưa người dân lên bờ định cư, cuộc sống của những cư dân nơi đây dần bước sang một trang mới.
Một góc của thôn Trung Hưng
Ông Huỳnh Diện, Trưởng thôn Trung Hưng kể, thôn có 367 hộ, 1853 nhân khẩu. Mặc dù người dân nơi đây từ nhiều vùng như Vinh Giang, Lộc Điền, Vinh Hiền…quần tụ lại, nhưng sống rất đoàn kết, cùng nhau xây dựng Trung Hưng ngày một đi lên. Chỉ cho chúng tôi thấy những dãy nhà lầu san sát, ông Diện phấn khởi: “Cư dân thủy diện như vậy là nhất. Đời sống kinh tế thôn Trung Hưng hơn 3 thôn còn lại của xã Vinh Hưng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3.5%, đa số là những người già yếu bệnh tật không lao động được”.
Vợ chồng ông Nguyễn Cư vui mừng bắt được con cá đuối lớn
Ghé lại thôn Nghi Xuân (Vinh Giang) và vùng đất Hà Đông ngày xưa (nay là thôn Hiền Vân 1, xã Vinh Hiền), chúng tôi bất ngờ trước diện mạo mới ở quê hương của cư dân vùng sông nước cũ. Định cư trên bờ chỉ một thời gian ngắn, nhưng những con đường của cả 3 vùng thủy đều được bê tông hóa, có dịch vụ vệ sinh môi trường và điện đường chiếu sáng. Ông Trần Viết Giáo, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Giang khẳng định: “Nghi Xuân là vùng đất đầu tiên của Vinh Giang có điện đường do dân tự đóng góp. Cuộc sống của bà con đổi thay nhiều, nhà cửa ai cũng khang trang, đời sống kinh tế ổn định”.
Từ nghề “theo đuôi con cá” vợ chồng ông Nguyễn Thú đã thoát nghèo.
Đứng vững sau những cơn bão
Trưởng thôn Trung Hưng Huỳnh Diện kể: “Tôi còn nhớ rất kỹ, bão năm 1985 làm xơ xác cả một vùng, thôn Trung Hưng có 8 người chết. Kinh nghiệm từ đợt bão ấy giúp cho người dân chuẩn bị rất kỹ trước cơn bão mạnh năm 1990. Nhiều người phấn đấu làm ăn, xây nhà chống bão, đến nay toàn thôn có khoảng gần 60% nhà đổ mái bằng”. Cũng theo ông Diện, trước đây hộ nghèo ở thôn khá nhiều, nhưng bà con biết đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn chỉ sau vài năm, nhiều gia đình đã đổi đời. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thú, trước năm 2009 là hộ nghèo của xã, nhờ chịu khó làm ăn đến năm 2010 đã thoát được nghèo, giờ đây nhà cửa khang trang, đời sống ổn định.
Nói về đời sống kinh tế của những người dân vùng đầm Cầu Hai, không ít người thừa nhận, nếu chịu khó làm ăn, giấc mơ “đổi đời” không phải là quá khó. Anh Phan Chót, Trưởng thôn Hiền Vân 1 cho biết, thu nhập của người dân từ nghề đánh bắt, nuôi trồng mỗi ngày vài trăm nghìn đồng, ngày thuận lợi có thể kiếm được cả triệu đồng. “So với các vùng khác, người dân sống trên đầm phá có đời sống kinh tế khá hơn. Chính nguồn thu nhập giúp họ nâng cao đời sống gia đình và góp phần cho việc xây dựng hạ tầng như điện, đường, trường, trạm”, anh Chót bày tỏ.
Đời sống khá giả, những hộ dân từng lênh đênh trên mặt nước ngày xưa nhận thức về một đời sống văn minh hơn, họ bàn nhau chuyện khuyến học, khuyến tài, cách xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng giúp đỡ những gia đình còn khó khăn đi lên hay việc xây dựng nếp sống hạnh phúc ngay trong tổ ấm của mình. Bên cạnh đó, những ngư dân “tựa vào con cá để sống” không những thuận theo chủ trương Nhà nước khai thông luồng lạch, sắp xếp lại nò sáo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng để nâng cao hiệu quả, họ còn tìm cách để bảo vệ môi trường, giữ vững nguồn “tài sản trời cho”.
Trở về sau những ngày “mục sở thị” đời sống người dân bên đầm Cầu Hai, điều chúng tôi phấn khởi nhất là cuộc sống của bà con đã thoát nghèo bền vững. Như chính câu nói của ông Nguyễn Hiều: “Ở vùng đất định cư của các xã bên đầm Cầu Hai này, người nghèo cũng bằng người khá ở một số vùng đất khác”.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không phải “gồng mình” thưởng tết

Những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh từ đầu năm giúp nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may không phải “gồng mình” để thưởng tết cho người lao động như từng xảy ra ở một số năm trước.

Không phải “gồng mình” thưởng tết
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chậm đóng bảo hiểm: Công khai danh sách các đơn vị kéo dài

11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.654/4.107 doanh nghiệp (DN) chậm đóng các loại hình bảo hiểm với tổng số tiền chậm lên đến 335.141 triệu đồng, tăng 44.334 triệu đồng so với tháng trước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý.

Chậm đóng bảo hiểm Công khai danh sách các đơn vị kéo dài
Return to top