ClockThứ Tư, 12/08/2015 15:33

Phải tính đến giải pháp tốt hơn

TTH - Giải quyết việc lấn chiếm lòng lề đường Đặng Văn Ngữ (Huế), đoạn gần chợ An Cựu để buôn bán bằng cách giải tán nhất thời xem chừng không hiệu quả mà cần có biện pháp dài lâu.

Có đơn là đuổi

Sáng 4/8 gần 20 chục cán bộ Đội quản lý đô thị TP Huế, tổ đô thị và công an khu vực của 3 phường: Phú Hội, Xuân Phú và An Đông tập trung ở đường Đặng Văn Ngữ, đoạn trước chợ An Cựu cùng với xe tải nhỏ, loa phát thanh để lập lại trật tự những người kinh doanh, buôn bán ở vỉa hè, hai bên lề đường và cả phía bờ sông An Cựu. Khi lực lượng chức năng đến nơi, hàng trăm hộ buôn bán bưng hàng hóa chạy vào các hẻm đường Đặng Văn Ngữ, cũng ở khu vực gần chợ. Một số thì vào nhà dân xin “núp cán bộ đô thị”, như nguyên văn của một chị bán rau mà chúng tôi nghe được khi có mặt tại đây.
Thói quen mua hàng hóa ở vỉa hè cũng là nguyên nhân khiến người kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường...
Nhiều chị bán cá, tôm, hải sản chạy về phía hồ sinh thái Kiểm Huệ, nhưng lực lượng đô thị cũng túc trực ở đây nên có người chất cá, tôm lên xe đứng chờ thời cơ. Số khác sau khi có sự thỏa thuận đồng ý với chủ nhà gần đó bày cá tôm ra trước hiên để bán.
Người dân sống ở đường Đặng Văn Ngữ cho hay, hôm trước (tức 3/8), là ngày đầu ra quân của lực lượng phối hợp liên phường, do không chủ động nên khung cảnh hỗn độn, náo loạn còn diễn ra gấp đôi, gấp ba so với hôm 4/8. Có trường hợp sau khi nghe ngóng tin tức đã chủ động, tìm được vị trí buôn bán khuất phía sau đường, chủ yếu là ở các đường kiệt gần chợ An Cựu; số nhỏ có lẽ đã nghỉ nên lượng người bị đẩy đuổi mà chúng tôi thấy ít hơn thường ngày.
Sau khi lập lại trật tự, lòng đường Đặng Văn Ngữ khá thông thoáng. Tình trạng xe máy, xe đạp đậu đỗ ở lòng đường gần như không còn. Người dân đi chợ đã vào bên trong khu vực chợ An Cựu để mua thực phẩm tươi sống. Nhờ thế, chị em tiểu thương chợ An Cựu kinh doanh, buôn bán đắt hàng hơn so với những hôm lòng, lề đường Đặng Văn Ngữ bị lấn chiếm để buôn bán.
Có được kết quả này là nhờ hai lần chị em tiểu thương chợ An Cựu kéo đến UBND TP Huế và trụ sở tiếp dân khiếu nại tình trạng các hộ dân lấn chiếm đường Đặng Văn Ngữ, bờ sông An Cựu để buôn bán. Tại buổi tiếp dân này, Phó Chủ tịch UBND TP Huế Ngô Anh Tuấn hứa sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các phường liên quan, Ban quản lý chợ An Cựu ra quân đồng loạt xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, ông Ngô Anh Tuấn cũng mong chị em tiểu thương chợ An Cựu thông cảm phần vì lực lượng quản lý đô thị mỏng, chợ An Cựu nằm trên địa bàn của 3 phường nên việc phối hợp để tổ chức lập lại trật tự đô thị không phải lúc nào cũng thực hiện dễ dàng. Hơn nữa, người tụ tập buôn bán trước chợ An Cựu dù lấn chiếm, vi phạm quy định của Nhà nước, song động cơ chính vẫn là vì vấn đề mưu sinh. Có nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con ăn học, cha mẹ già yếu nên đôi lúc, đôi khi lực lượng chức năng vẫn còn du di, cả nể...
 
Chợ An Cựu hiện có 472 lô do chị em tiểu thương kinh doanh, buôn bán, trong đó hàng cá thịt khoảng hơn 120 lô. Bình quân mỗi lô thuê bán cá, thịt có giá 1,5 triệu đồng/năm, cộng với 90 ngàn đồng/tháng phí bảo vệ. Các khoản phí khác như vệ sinh môi trường, điện nước tính riêng theo mức sử dụng của mỗi tiểu thương, trong đó chủ yếu là điện, nước.
Cần tính tới giải pháp lâu dài
Điều lãnh đạo TP Huế nói không phải là không có lý, tuy nhiên nếu chỉ xử lý, giải quyết vấn đề theo cách này thì chắc chắn sự việc sẽ còn tái diễn kéo dài không chỉ là một vài năm tới.
Nói điều này khi chúng tôi từng nghe và chứng kiến không ít lần lực lượng quản lý đô thị, công an các phường, TP Huế tổ chức dẹp trật tự, xử lý những trường hợp vi phạm nhưng khi không có lực lượng chức năng, người buôn bán vẫn tái vi phạm.
Buổi họp báo do UBND TP Huế tổ chức hồi cuối tháng 7 vừa qua, vấn đề này một lần nữa được các nhà báo đặt ra để mong lãnh đạo TP Huế tìm biện pháp giải quyết lâu dài. Thế nhưng, các đơn vị liên quan đều gần như chưa có câu trả lời xác đáng.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND phường Phú Hội bày tỏ: “Từ 2010, chị em tiểu thương chợ An Cựu đã bức xúc kéo lên phường, TP Huế để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý những người lấn chiếm buôn bán trước chợ An Cựu. Sau khi có phản ánh, phường Phú Hội cùng phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức túc trực để kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những hộ vi phạm. Tình hình lấn chiếm sau đó được cải thiện đáng kể nhưng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn”.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng ban quản lý chợ An Cựu cho rằng, đơn vị cũng đau đầu không chỉ với chị em tiểu thương bên trong chợ mà cả với chị em buôn bán phía bên ngoài. “Nếu là người địa phương hoặc có nhu cầu buôn bán trong chợ, chúng tôi sẵn sàng mời vào chợ buôn bán và có thể xem xét giảm giá cho thuê lô, nhưng hầu hết là người các nơi khác đến. Lập lại trật tự được khu vực trước mặt chợ, còn ở đường Đặng Văn Ngữ hay phía cầu An Cựu đều ngoài khu vực quản lý của chúng tôi nhưng làm bên này họ lại chạy sang bên kia nên chúng tôi rất khó xử lý”, bà Hằng nói.
Tổ chức lập lại trật tự đô thị ở khu vực trước chợ An Cựu, đường Đặng Văn Ngữ, cả cầu An Cựu và các khu vực gần đó là cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tạo nét văn minh trong kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần và còn thiếu điều kiện đủ. Qua khảo sát một số chị em tiểu thương, người có chuyên môn, giải pháp được đề xuất là việc cấm buôn bán chắc chắn sẽ khó triển khai, bởi đã là sinh kế, nguồn sống của nhiều gia đình thì đuổi khu vực này họ sẽ tụ tập buôn bán ở khu vực khác. Thực tế cũng đã minh chứng. Thế nên, TP Huế cần có xem xét cho thuê lô ở khu vực phù hợp, có lề đường rộng, phía bờ sông hoặc khu vực gần đó để người dân buôn bán. Tất nhiên, giá thuê ở khu vực này cũng cần được tính toán kỹ để những người kinh doanh bên trong chợ không thiệt thòi.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Kiên cường chiến sĩ Trường Sa

Nơi đầu sóng, có biết bao chiến sĩ hải quân đang hi sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường cầm chắc tay súng, để quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chãi cho Tổ quốc.

Kiên cường chiến sĩ Trường Sa
Kiên cường, bản lĩnh những ngày đầu giải phóng

Trên chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Thừa Thiên Huế cùng với cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quê hương, góp phần thành công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kiên cường, bản lĩnh những ngày đầu giải phóng
Return to top