Trước hết, ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được của BHXH tỉnh trong năm 2022?
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, quyết sách quan trọng nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đến ngày 31/12/2022, số người tham gia BHXH là 148.800 người, đạt tỷ lệ 27,8% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHXH tự nguyện là 20.200 người, đạt tỷ lệ 3,78% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 120.200 người; số người tham gia BHYT 1.152.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 99,1% dân số.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực bộ máy quản lý; tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công tác, văn hóa công sở, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); đổi mới, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và tổ chức, doanh nghiệp (DN); đặc biệt là thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc “4 Rõ” do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề ra.
Vậy, nguyên tắc “4 Rõ” được triển khai như thế nào, thưa ông?
Nguyên tắc “4 Rõ” đó là “Rõ người - Rõ việc - Rõ trách nhiệm - Rõ kết quả” được BHXH tỉnh triển khai quyết liệt đến từng CBCCVC. Phương châm này đã giúp từng cán bộ tự giác rèn luyện đạo đức công vụ, tận tụy với công việc; tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, chính quyền và giữ gìn đoàn kết nội bộ.
Các đơn vị trực thuộc luôn có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các văn bản chỉ đạo của ngành để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, xem đây là công việc quan trọng thường xuyên của cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó tạo chuyển biến về nhận thức. Công tác chỉ đạo cụ thể, rõ ràng thực hiện gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và phát hiện biểu dương, nhân rộng kịp thời những mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong đơn vị.
Ngoài việc áp dụng nguyên tắc “4 Rõ”, BHXH tỉnh còn áp dụng thêm nguyên tắc “Rõ tiến độ”. Đây là nguyên tắc để đo lường về mức độ hoàn thành công việc của từng cán bộ, viên chức, người lao động so với mục tiêu ban đầu.
Theo ông, việc nhấn mạnh nguyên tắc “4 Rõ” mang lại hiệu quả như thế nào trong BHXH?
Điều dễ nhận thấy nhất đó là giúp cho CBCCVC toàn đơn vị hành động đúng, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt; đồng thời nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như thực hiện chính sách.
Ưu điểm nữa đó là, hiệu quả từ sự chủ động của các phòng trực thuộc và BHXH cấp huyện với nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Các đơn vị đã nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, đồng thời góp phần nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Nguyên tắc “4 Rõ” cũng giúp người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại cơ quan, đơn vị phụ trách.
Việc phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm liệu có tạo sức ép quá lớn cho mỗi CBCCVC không?
Khi mới thực hiện thì các đơn vị được phân cấp, phân quyền sẽ cảm thấy nặng nề trong thực hiện trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của toàn ngành và phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Việc thực hiện phân cấp, phân quyền một cách khoa học, hợp lý cũng là cơ sở để BHXH địa phương thực hiện tốt vai trò “kép”: vừa là cơ quan thực hiện pháp luật, vừa trực tiếp giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân và DN.
Năm 2023, BHXH tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Qua đó, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ động rà soát tiến độ các công việc, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ theo chương trình công tác trọng tâm, thông báo kết luận của lãnh đạo BHXH tỉnh để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với những vụ việc phức tạp, vượt thẩm quyền và xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ông có thể chia sẻ thêm những định hướng của đơn vị?
Định hướng của BHXH tỉnh trong thời gian tới là luôn bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam để tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT với lộ trình cùng các điều kiện tổ chức thực hiện phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, chú trọng các mục tiêu cụ thể như: chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch quỹ BHXH, BHTN, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo mô hình Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!