ClockThứ Năm, 19/11/2020 10:24

Bạo lực học đường cần được loại bỏ

TTH.VN - Thời gian gần đây, trong giới học sinh chúng em bàn tán xen lẫn âu lo về trường hợp một học sinh lớp 12 đã dùng hung khí đánh thương tích một bạn học sinh lớp 10. Nguyên do xuất phát từ suy nghĩ rằng, bạn học sinh lớp 10 nhỏ mà hỗn xược!

Kiềm chế bạo lực học đườngÝ thức và sự an toàn

Môi trường học tập an toàn, lành mạnh là mong muốn của học sinh và toàn xã hội

Một môi trường học tập an toàn, lành mạnh là mong muốn của học sinh và toàn xã hội (Ảnh minh họa). Ảnh: HK

Bạo lực học đường đang là vấn đề nan giải của nền giáo dục. Hiện tượng bạo lực ở môi trường học tập diễn ra ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Đáng lo ngại là nguyên nhân của các cuộc ẩu đả này thường đơn giản như mâu thuẫn ở trường lớp, công kích nhau trên mạng xã hội, thậm chí có khi chỉ là những câu nói đùa cợt thông thường.

Bạo lực học đường không chỉ gói gọn trong việc gây gổ đánh nhau mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác, như: những hành vi thô bạo, bất chấp luật pháp để ức hiếp, bắt nạt, gây ra những tổn thương về tinh thần và thể xác cho người khác diễn ra trong phạm vi trường học; hoặc là những hành vi xúc phạm bằng lời nói, tấn công tình dục, mang theo vũ khí đến trường…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình mỗi năm có khoảng 1.600 vụ đánh nhau được gây ra bởi học sinh; cứ 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau, cứ 11.000 học sinh thì có 1 học sinh bị thôi học vì bạo lực ở học đường.

Có một sự thật đáng báo động là độ tuổi vi phạm pháp luật hình sự đang ngày càng trẻ hóa, theo thống kê mới đây của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 người trong độ tuổi vị thành niên phạm pháp. Có rất nhiều yếu tố tác động dẫn đến việc học sinh có hành vi bạo lực học đường. Do đang ở độ tuổi dậy thì, tâm sinh lí chưa ổn định, do sự kích động đến từ bạn bè và muốn chứng tỏ bản thân, đây là những nguyên nhân phổ biến nhất.

Một nguyên nhân khác cũng rất cần được quan tâm, đó là lối ứng xử tiêu cực của bố mẹ hay những người lớn xung quanh như đánh nhau, chửi bới,…đã tác động không nhỏ đến tâm lí của học sinh. Ngoài ra, những trò chơi trên các thiết bị điện tử có tình tiết bạo lực cũng là một trong các nguyên nhân.

Trường PTTH Nguyễn Huệ là một trong những ngôi trường có môi trường học tập rất tốt ở Huế

Trường PTTH Nguyễn Huệ là một trong những ngôi trường có môi trường học tập rất tốt ở Huế. Ảnh: HK

Bạo lực học đường gây hậu quả rất nặng nề cho cá nhân và xã hội. Việc bị bạo lực trong chính môi trường học tập của mình khiến nạn nhân rất dễ bị tự ti, mặc cảm hay thậm chí có những suy nghĩ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng bản thân. Những học sinh có hành vi bạo lực nhiều bạn vì những sai lầm nhất thời đã trượt dài vào con đường phạm pháp nếu thiếu sự quan tâm uốn nắn, dìu dắt của người lớn. Không khí trong các gia đình sẽ trở nên căng thẳng, xáo trộn; trường học cũng sẽ trong tình trạng bất an và sợ hãi, sự trong sáng lành mạnh của môi trường học đường bị tổn hại...

Để tránh được các hành vi bạo lực học đường, theo em, bản thân mỗi học sinh cần có ý thức rèn luyện bản thân, chấp hành nội quy nhà trường, biết vâng lời bố mẹ và không nghe theo lời xúi giục của bạn bè xấu. Với nhà trường, rất cần có những hoạt động tuyên truyền về bạo lực học đường, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc cho những hành vi không chuẩn mực với đạo đức học sinh.       

Hoàng Anh (HS Trường PTTH Hai BàTrưng)                         

                                                                 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Return to top