ClockThứ Tư, 20/10/2021 14:42

Cảnh báo hiện tượng thanh, thiếu niên giải quyết mâu thuẫn bằng đao, kiếm

TTH - Chỉ vì một cái “nhìn đểu” hay lời nói bông đùa không vừa lòng nhau, các nhóm thanh, thiếu niên “choai choai” sẵn sàng mang theo hung khí, “chốt” địa điểm để giải quyết mâu thuẫn. Các lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật.

Nhóm thanh, thiếu niên tụ tập rủ nhau đi giải quyết mâu thuẫn bị lực lượng công an bắt giữ

Bồng bột, thích thể hiện

Mới đây, do mâu thuẫn trên mạng xã hội, một nhóm thanh, thiếu niên từ 15 – 16 tuổi đã chuẩn bị nhiều hung khí để đi “thanh toán” lẫn nhau. Rất may, nhóm thanh, thiếu niên này chưa kịp ra tay thì bị Công an phường An Tây, Công an phường Thủy Xuân và Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế kịp thời phát hiện, bắt giữ.

Đấu tranh, khai thác, lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế xác định, đối tượng cầm đầu nhóm này chính là Nguyễn Đăng Q. (sinh năm 2006), trú tại 19/48 Ngự Bình, phường An Cựu. Dù chưa xảy ra hỗn chiến, nhưng hành động của nhóm thanh, thiếu niên đã làm nhiều người dân sinh sống dọc các tuyến đường rất lo sợ.

Qua nắm địa bàn, Công an phường Tây Lộc phát hiện, có một nhóm 10 thanh, thiếu niên đang cầm hung khí, tụ tập tại khu vực 8/146 đường Trần Quốc Toản để giải quyết mâu thuẫn. Xác định, đây là nhóm đối tượng manh động, sẵn sàng đâm chém nhau bất cứ lúc nào, gây mất an ninh trật tự ở khu phố, Công an phường Tây Lộc đã nhanh chóng bố trí lực lượng để vây bắt.

“Tại thời điểm bị bắt, chúng tôi thu giữ 2 cây đao tự chế dài 2 mét; 1 cây kiếm dài 0,8 mét. Ngoài một số đối tượng bị bắt tại chỗ, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, các đối tượng khác cũng đã tới Công an phường Tây Lộc để trình diện. Các đối tượng khai nhận, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân và được bạn bè nhờ, nên đã tụ tập, chuẩn bị hung khí giải quyết mâu thuẫn...”, Đại úy Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Công an phường Tây Lộc cho biết.

Từ thực tế cho thấy, tội phạm cố ý gây thương tích thời gian qua có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Đây có thể nói là sự tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên. Có những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống, nhưng cũng dẫn đến các vụ cố ý gây thương tích. Rượu, bia, chất kích thích chính là một trong những nguyên nhân sinh ra loại tội phạm này. Trong số đó, đa phần là những người trẻ tuổi bồng bột, dễ bộc phát tính côn đồ để bảo vệ cho cái tôi của mình.

Số đao, mác tự chế được nhóm thanh, thiếu niên mang theo để giải quyết mâu thuẫn

Phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã kéo theo nhiều hội nhóm trên mạng xã hội ra đời, những mâu thuẫn rất dễ phát sinh và việc hô hào kích động một nhóm người tụ tập là điều rất dễ xảy ra. Bởi vậy, việc phát hiện ngăn ngừa các nhóm mâu thuẫn trên mạng xã hội là rất cần thiết.

Giới trẻ tiếp xúc với internet là xu hướng tất yếu, nhưng cần có sự kiểm soát của các bậc phụ huynh và nhà trường. Tránh trường hợp các em tham gia các hội, nhóm thiếu lành mạnh, dễ bị kích động dẫn đến thực hiện các hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc từ nhưng mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cuộc sống, các bạn trẻ cần nâng cao ý thức, trình độ hiểu biết và nhận thức pháp luật, qua đó, khi xảy ra xung đột cần phải bình tĩnh giải quyết dựa trên đạo đức xã hội và quy định pháp luật.

Ở TP. Huế, dù chưa hình thành các băng, ổ nhóm, nhưng khi có những vụ cố ý gây thương tích thì thường có nhiều đối tượng tham gia, cùng thực hiện tội phạm nên gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến chết người. Tất cả các hành vi này đều được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật.

“Sự vào cuộc của lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác để giải quyết tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm giải quyết mâu thuẫn thôi chưa đủ, mà rất cần sự quan tâm từ phía nhà trường, gia đình và cộng đồng dân cư. Đừng để chỉ vì một vài giây phút nông cạn, thiếu suy nghĩ mà nhiều thanh, thiếu niên đã cố tình gây thương tích cho người khác. Đừng để sự việc đã rồi, người thương tích, kẻ vào tù, đến khi hối hận đã muộn màng”, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế khuyến cáo.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TIN MỚI

Return to top