Những nơi mà trộm thường xuyên hoạt động là phòng cấp cứu, phòng đợi của người nhà bệnh nhân. Ở những nơi này, tâm lý của người nhà rất căng thẳng, họ không để ý nên rất dễ bị trộm cắp.
Tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, phòng bệnh nháo nhác khi cụ bà đang điều trị ung thư giai đoạn cuối mất gần 3 triệu. Đó là cả một gia tài đối với người đàn bà khốn khó, không chồng con sau khi bán tất cả những gì có thể để lên Huế điều trị. Bà kể lại: Trong cơn đau, bỗng dưng có một cô gái nhẹ nhàng đến ngồi bên bà, xoa tay, xoa lưng, xoa cả vào cái túi đựng tiền mà bà không hề cảnh giác. Bà cứ tưởng ai cũng giống như người dân quê bà, thật thà, chất phác, thấy người đau ốm nên hỏi thăm nên không mảy may nghi ngờ. Còn trong phòng bệnh, ai cũng tưởng khách của bà nên chẳng ai để ý. Tiền tạm ứng viện phí người ta cứ kêu ra rả nhưng bà lấy đâu ra tiền để đóng. Số phận của người đàn bà bị mắc bệnh hiểm nghèo, lại là hộ nghèo, đơn thân rơi vào bi kịch...
Chiều, các phòng kháo nhau, tối nay đề phòng trộm đột nhập... Chả là, có một nhóm thanh niên cứ đi lui, đi tới các phòng bệnh, mắt cứ nhìn đảo quanh. Bác sĩ thấy tài sản có giá trị của bệnh nhân để hớ hênh, bác sĩ nhắc. Bảo vệ tối đi kiểm tra tình hình ở các tầng... Bản thân người bệnh biết nhưng trộm vẫn đột nhập vào được. Tại khoa Nhi, bệnh viện T.Ư Huế đã có một phen náo động khi trộm vào lấy iPhone của người nhà bệnh nhân đang sạc pin trên đầu giường bệnh. Bị phát hiện, nhiều người la hét, vây bắt, trộm lẩn rất nhanh. Người nhà bệnh nhân buồn xo, mệt vì con cái bệnh tật đã đành, giờ còn lại mất của. Cả đêm lục đục không ngủ, cứ nghe tiếng xuýt xoa mãi...
Trộm rình mò đã đành, táo bạo hơn, trộm còn hiên ngang vào phòng bệnh nhân ngay cả buổi ngày. Trộm ăn mặc lịch sự, quần tây, áo sơ mi, bỏ áo vào quần đàng hoàng. Trộm trà trộn vào đoàn khách đến thăm bệnh nhân. Người nọ tưởng khách người kia, không ai mảy may nghi ngờ về sự có mặt của trộm. Đến khi mọi người về hết, trộm mới xuất đầu lộ diện. Trộm bình thản ngồi lại hỏi han, thậm chí, quan tâm đến độ mở cửa tủ để lấy sữa cho bệnh nhân uống. Mà mỗi khi đã không cảnh giác thì trộm tấn công ngay, tích tắc, trộm đã cuỗm được ví tiền, điện thoại mà bệnh nhân bỏ trong tủ... Đến khi phát hiện ra thì mọi người rờn rợn, trộm xuất hiện ngay trước mặt mà không làm gì được.
Chuyện trộm cắp ở bệnh viện thì ai cũng biết, thậm chí bảo vệ ở các bệnh viện đã bắt được nhiều đối tượng và giao cho công an xử lý. Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp vẫn xảy ra khi các đối tượng này ngày càng sử dụng những chiêu thức tinh vi, lại thường có đồng bọn giúp sức, cảnh giới nên cũng khó phát hiện. Trong khi đó, nhiều người vào bệnh viện quá lơ là, tạo điều kiện dễ dàng cho bọn trộm cắp nên chưa thể giải quyết triệt để.
Để đối phó với các đối tượng lừa đảo, trộm cắp ngày càng tinh vi, tổ bảo vệ đã phân bố người kín, chặt chẽ và theo dõi sát sao những đối tượng khả nghi. Còn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tự bảo quản tài sản của mình là chính. Theo kinh nghiệm của thân nhân người bệnh, phương pháp hữu hiệu để chống trộm là thay nhau... thức. Nếu nuôi bệnh lâu ngày thì phải cho tiền bạc và điện thoại di động vào lớp quần áo trong, sát người, mới an toàn.