Báo chí vừa đưa tin, tại một quán nhậu ở tổ 8, phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy), nhóm đối tượng gồm Trần Hoàn, Cao Đình Quý, Trần Hưng, Cao Đình Trung và Lê Văn Hiệu đã gây náo loạn, đánh nhiều người bị thương chỉ vì cho rằng bị một người trong quán “nhìn đểu” (!). Nhóm này sau đó đã bị Công an Hương Thủy bắt, củng cố hồ sơ để xử lý trước pháp luật. Vụ việc may mắn chưa khiến ai tử vong, tuy nhiên, cách hành xử của nhóm thanh niên ngổ ngáo kia khiến nhiều người vô cùng bức xúc.
Điều đáng nói là những vụ hành hung, thậm chí sát hại người khác bởi lý do “nhìn đểu” không phải chỉ là cá biệt, mà đã từng xảy ra nhiều, rất nhiều vụ việc như thế này rồi. Hãy thử nhập từ khóa “nhìn đểu” và enter một cái mà xem. Chỉ trong vòng chưa tới 1 nốt nhạc, cả triệu kết quả đã cho ra với những: Hỗn chiến; Đâm chết người; Đánh người tập thể; Vào quán rút 3 dao chém người; Bị đánh vỡ quai hàm… đều xuất phát từ “nghi/nghĩ bị nhìn đểu”. Thống kê trên từ “ông gu-gồ” có thể có sự trùng lắp, tuy nhiên, dẫu có như vậy chăng nữa thì nó vẫn cho thấy một số lượng rất nhiều vụ việc đã phát xuất từ nguyên nhân lãng xẹt mang tên “nhìn đểu”.
Hậu quả của những vụ việc trên là gì? Là đau khổ cho nhiều gia đình có người thân đột nhiên bị tước đoạt mạng sống; là thân thể đang lành lặn của nhiều người bỗng chốc trở nên què quặt, thương tật, mất sức lao động vĩnh viễn. Mà những người bị chết, bị thương tật kia có khi là chỗ dựa chính yếu cho cuộc sống của nhiều gia đình. Dẫn đến con cái nheo nhóc không có người nuôi, bố mẹ già yếu thiếu nơi nương tựa, và nhiều những hệ lụy khác nữa…
Đã là thời đại nào rồi mà vẫn còn cái lối hành xử “giang hồ bá đạo”, “vô pháp vô cương” như thế? Những kẻ gây án, những kẻ mà bao giờ cũng cho rằng mình “bị nhìn đểu” là ai? Đó hầu hết là những gã thanh thiếu niên côn đồ ngổ ngáo, thiếu giáo dục nhưng có khi lại thừa chất kích thích, nhẹ thì rượu bia mà nặng thì ma túy. Cũng không hiếm những gã là dân anh chị bảo kê, “chăn dắt”, cờ bạc, cho vay nặng lãi, mua bán ma túy… Chúng tự cho rằng dưới bầu trời này chúng muốn làm gì thì làm. Mọi người đều phải có nhiệm vụ tôn trọng, và nhất là không bao giờ được phép “nhìn đểu” chúng. Lối suy nghĩ và hành xử của chúng đã ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội, coi thường kỷ cương phép nước, xâm hại đến cuộc sống của cộng đồng.
Rất nhiều vụ đã bị bắt, bị xử lý, nhưng tại sao nhiều năm qua nạn ngang nhiên đập phá, hành hung người khác chỉ từ “lý do nhìn đểu” vẫn tái diễn? Có sự “nương nhẹ” hay pháp luật chưa đủ nghiêm? Cần phải suy nghĩ để tìm ra đáp án thật xác đáng cho bài toán này.
Đã đến lúc luật pháp phải có thái độ thật quyết liệt, thật nghiêm khắc để chấm dứt và không tái diễn tệ nạn đáng lên án trên, bảo vệ cuộc sống yên bình và hạnh phúc cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Huy Khánh