|
Thanh toán số tăng nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng (ảnh minh họa) |
Nhắn tin hỏi số TK của một người bạn để trả lại tiền mà tôi nhờ chị mua đồ giúp thì được chị nhắn cho một số TK cùng cái tên lạ hoắc. Thấy không yên tâm nên tôi không chuyển tiền theo số TK đó và điện thoại lại cho chị thì nhận được câu trả lời là số TK đó của một người quen và chị đang “mượn tạm” để sử dụng.
Về “tình” mà nói thì đó cũng chẳng có gì to tát khi mình cho người khác mượn một TK trống và hoặc giao nó cho người thân vô tư sử dụng. Nhưng về lý thì đó lại là một việc làm phi pháp nếu khi giao TK ngân hàng cho người khác sử dụng mà khi mở TK ngân hàng, chủ TK không ủy quyền lại cho người “mượn” sử dụng TK của mình; bằng cách lập bằng văn bản và gửi tới ngân hàng nơi bạn mở TK.
Dù việc mua, bán, cho thuê… TK ngân thanh toán cá nhân đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, song hiện tượng mua bán trái phép TK ngân hàng đã và đang diễn ra và càng gia tăng trong thời gian gần đây do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong đời sống hàng ngày. Theo đó, mua, bán trái phép TK ngân hàng là việc biểu hiện rõ ở việc trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về TK ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc mục đích khác trái pháp luật.
Theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN thì chủ TK thanh toán có quyền ủy quyền cho người khác sử dụng TK thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư này. Nhưng, việc ủy quyền trong sử dụng TK thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Để ủy quyền trong sử dụng TK thanh toán, chủ TK phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở TK văn bản ủy quyền kèm bản đăng ký mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu).
Pháp luật đã quy định rất rõ về việc ủy quyền cho người khác sử dụng TK thanh toán cũng như nghiêm cấm việc mua bán, cho thuê, cho mượn, sử dụng TK thanh toán để thực hiện cho các giao dịch. Bởi đây là việc làm có thể tiếp tay cho các hành vi, thủ đoạn lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Hiện nay, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng quá phổ biến và ngày càng tinh vi, nhưng không phải bất cứ ai cũng nắm được các thông tin để cảnh giác. Hầu hết các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng TK ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua TK hoặc lừa đảo, chiếm đoạt TK của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, như nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền, chuyển, nhận tiền đánh bạc… hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo quy định của pháp luật, việc mua, bán trái phép TK ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp mua, bán trái phép TK ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về TK ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.