Vụ án hình sự “dâm ô với người dưới 16 tuổi” do TAND TP. Huế xét xử. Gia đình bị cáo và gia đình bị hại vốn có mối quan hệ khá gần gũi. Mẹ ruột bị hại trước đây có 3 đứa con với người chồng trước. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, nên đường ai nấy đi, người phụ nữ ấy nuôi luôn cả 3 đứa con. Tiếp đó, chị này đi bước nữa với chồng sau và có với chồng sau 3 con chung.
Người chồng sau có đứa cháu trai (21 tuổi, bị cáo trong vụ án), con của chị gái ruột. Bị cáo thường sang nhà cậu ruột chơi, nên gặp gỡ, quen biết với bị hại (con gái riêng của vợ cậu, 12 tuổi). Bị cáo và bị hại nảy sinh tình cảm yêu đương.
Điều này mẹ bị hại và cha mẹ bị cáo không hay biết. Chỉ đến khi bị hại thường mượn điện thoại di động của chị gái mình để nhắn tin, “chát chít” với bị cáo, để lộ các tin nhắn, hình ảnh hai bên gửi cho nhau quá “nhạy cảm” so với lứa tuổi của bị hại, mẹ bị hại mới hoảng hốt trình báo sự việc với cơ quan công an.
Sau khi sự việc bị phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc, thì mới làm rõ hành vi của bị cáo. Theo đó, mấy lần ở cạnh nhau, bị cáo có hành vi sờ mó những bộ phận nhạy cảm của “bạn gái”. Tại phiên tòa, cả bị cáo và bị hại vẫn cho rằng hai bên có quan hệ tình cảm yêu đương. Điều đáng tiếc là, không chỉ riêng đối với vụ án này, qua thực tiễn xét xử, rất nhiều vụ án tương tự, “người trong cuộc” cũng cho rằng trong quan hệ yêu đương, hai bên đều tình nguyện thì đó là điều bình thường. Tuy nhiên, theo quy định, đó là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, mà bị cáo buộc phải biết.
Những người làm công tác xét xử, luật sư được chỉ định (theo quy định đối với người chưa thành niên) bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại và những người dự khán, có mặt tại phiên tòa với vai trò khác nhau, nhưng có lẽ trong cảm xúc, ai nấy đều không khỏi cám cảnh trước sự thiếu hiểu biết về pháp luật của những “người trong cuộc”.
Đặc biệt, thật đáng trách khi cha mẹ của hai bên (nhất là đối với bị hại chưa thành niên) thiếu sự quản lý, định hướng đúng đắn về lối sống, quan hệ tình cảm, yêu đương, có những can thiệp, uốn nắn kịp thời, thì đâu đến nỗi xảy ra vụ án đáng tiếc, bị cáo phải nhận hình phạt 59 tháng tù.
Cuộc sống của gia đình bị hại có nhiều khó khăn. Bị hại phải cùng mẹ lang thang bán hàng rong trong những quán ăn. Giá như người mẹ để ý quan tâm hơn đối với con gái, quản lý chặt chẽ hơn những giao tiếp của con đối với người khác giới, đặc biệt là trong thời đại phát triển mạng intenet như bây giờ, thì có thể đã kịp thời uốn nắn sự lệch lạc, ngăn chặn con sa vào yêu đương sớm.
Thế nhưng không thể có “giá như” vì tất cả đã muộn. Một thanh niên phải vào tù ở tuổi đôi mươi. Một gia đình đứng trước sóng gió có thể tan vỡ. Vụ án này là lời cảnh tỉnh không hề cũ cho tất cả mọi người.
Duy Trí