Tháng tư vừa qua, tôi đã ghé lại Mã Pí Lèng trong một chuyến công tác. Có lẽ, đó cũng là niềm hãnh diện của các đồng nghiệp khi giới thiệu cho các bạn của mình một điểm nhìn đắc địa nhất về sông Nho Quế, ngay trên hẻm vực Tu Sản. Điều đầu tiên mà tôi có, là về những chàng trai, cô gái trông vừa mảnh dẻ, lại vừa bụi bặm với đôi mắt xanh và mái tóc vàng. Đến từ rất nhiều nước và từ những ban công cao thấp khác nhau, họ đang cố ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong một chuyến đi, vốn không mấy dễ dàng…
Có lẽ vì thấp người, nên chẳng có khung ảnh nào trông hợp lý, tôi chọn cách giữ lại trong tầm mắt và những hình ảnh mà mình đã ghi dấu, từ một trang lữ hành đọc được trong chuyến bay trước. Thực ra thì ngay cả khi bước xuống theo những bậc cấp để gần hơn với sông, tôi cũng chẳng chọn được hình nào thật sự thích để lưu giữ. Những cái tên được khắc lên đá, lên gờ tường rào bằng xi măng đã làm cho bức ảnh trông rất luộm thuộm. Khi ghé lại một điểm dừng cao hơn trên hành trình đi Đồng Văn, ngồi xuýt xoa với trứng gà, ngô và khoai nướng, tôi sực nhớ ra là mình chẳng có gì để lưu giữ trong điểm dừng ở hẻm Tu Sản - là nhà hàng - khách sạn Paranoma đang được nhắc đến khá dày cả trên mạng xã hội cũng như các trang báo. Không, ngay cả đến một cái móc chìa khóa, hay một sản vật nào đó khác. Còn rượu ngô trên kệ, chắc không phải là lựa chọn của phụ nữ.
Một hình ảnh khác, trông dễ chịu hơn rất nhiều so với hình ảnh đang có, cũng là của một KTS khác mà bạn bè của anh mới post lên mạng xã hội như một lời đề nghị thay đổi. Nhiều hơn là sửa sai. Tòa nhà 7 tầng đã được dựng lại thành những tầng bằng đá, với cỏ phủ men theo sườn đồi. Trông nó thân thiện hơn hẳn.
Tạo điểm dừng chân, điểm nhấn trong chiều hướng phát triển du lịch sinh thái là mục đích của chính quyền huyện Mèo Vạc, cũng như của tỉnh Hà Giang. Song có vẻ như, mọi thứ đã không được chuẩn bị chu đáo. Thiếu quy hoạch, quy chuẩn, mà có lẽ mọi thứ chỉ đơn thuần dựa trên sự nóng vội, đã dẫn đến hệ lụy, cộng thêm những vấn đề phát sinh không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai và rộng hơn, cao hơn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Cơn gặm nhấm di sản (theo cách gọi của KTS Ngô Viết Nam Sơn) đã kéo về cơn bão từ cộng đồng khi cảnh quan thiên nhiên bị tác động và phá vỡ. Điều đó cũng cho thấy những bất ổn không chỉ ở phát huy văn hóa cảnh quan mà cả về nhận thức về sự phát huy đó ở con người.
Không biết còn có những hệ lụy nào nữa như kiểu Mã Pí Lèng ở Hà Giang?
LÊ AN