Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội
-Thưa ông, nạn buôn ma túy hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, với số lượng vụ cũng tăng và số ma túy thu được cũng rất lớn, theo ông đâu là nguyên nhân? Khung hình phạt cho loại đối tượng này đã đủ sức răn đe hay chưa?
Thời gian gần đây lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, triệt phá nhiều chuyên án buôn bán ma túy và xử lý nhiều băng nhóm tội phạm liên quan đến buôn bán ma túy. Tuy nhiên, gần đây lực lượng chức năng phát hiện các vụ án ma túy với số lượng cực lớn như báo chí đưa tin ở TP. Hồ Chí Minh, ở Nghệ An, Quảng Trị… có những vụ lên đến hàng tấn, liên quan đến người nước ngoài. Theo quan điểm của tôi, người nước ngoài vào hoạt động ở Việt Nam luôn có tội phạm trong nước tiếp tay để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển ma túy.
Mặc dầu cơ quan chức năng đã có những giải pháp, biện pháp mạnh, kể cả các cơ quan tư pháp cũng đã xử lý rất nghiêm trong các vụ án hình sự. Nhưng đây là mặt hàng siêu lợi nhuận, một lĩnh vực mà các lực lượng, kể cả lực lượng cầm đầu, các lực lượng nằm trong băng nhóm hết sức liều lĩnh, manh động, bất chấp luật pháp. Ngoài ra, một số tuyến biên giới nước ta, kể cả đường bộ, đường biển, thậm chí đường hàng không vẫn chưa quản lý chặt chẽ. Vẫn còn sự chủ quan, sơ hở để tội phạm vận chuyển lượng lớn ma túy đi sâu vào nội địa như ở Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh. Trên tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không tội phạm đều lợi dụng để vận chuyển ma túy.
Từ những lý do trên, theo tôi các lực lượng chức năng cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ tuyến đường biên, đường biển, hàng không và phát huy cả hệ thống chính trị, đặc biệt là “tai mắt” của Nhân dân, kể cả báo chí và các lực lượng khác trong đấu tranh phòng chống với loại tội phạm này.
-Hiện nay ma túy có nhiều loại, nhiều dạng khác nhau, và có thể luật pháp của chúng ta chưa bao quát được hết các loại đó, theo ông Luật Phòng chống ma túy cần phải sửa đổi những điều gì để hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy?
Công an Thừa thiên Huế đột kích một quán bar, phát hiện nhiều người sử dụng ma túy
Mặc dầu chúng ta vừa ban hành Bộ luật Hình sự và các bộ luật khác, và Luật Phòng chống ma túy đang được Quốc hội xem xét, thông quy. Tuy nhiên, do hướng phát triển công nghệ cho nên có những lĩnh vực ma túy đang còn nằm ngoài quy định của luật. Quan điểm của tôi là luật cần gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội. Đồng thời, chúng ta cần có những dự báo trước về mức độ của cơn lốc ma túy đang xâm nhập vào giới trẻ.
Về tội phạm ma túy, tôi nghĩ không những bằng luật, cần có những văn bản dưới luật để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt phải có những biện pháp quyết liệt, kiên quyết để xử lý loại tội phạm này. Chính phủ cũng sớm đề xuất với Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để chỉnh sử không những Luật phòng chống ma túy mà các luật khác có liên quan đến lĩnh vực này. Quan điểm của tôi thì đây là nội dung mà chúng ta cần phải làm mạnh mẽ, làm quyết liệt.
Thực tế có nhiều địa phương làm rất tốt công tác đấu tranh phòng chống ma túy. Thời điểm khi còn công tác ở Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh thường chỉ đạo lực lượng chức năng không nuôi lớn, không câu nhữ - tức là không để lớn mới bắt mà xử lý ngay từ đầu, khi còn nhỏ. Vì nếu không xử lý nghiêm thì tội phạm này có thể sẽ xảy ra những phức tạp trong đời sống xã hội.
Thái Sơn (thực hiện)