Qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát PCCC phát hiện một cơ sở tồn trữ gas trái phép với số lượng lớn
Nguy hiểm rình rập
Có dịp theo đoàn kiểm tra "đột kích" vào một cơ sở kinh doanh gas trên đường Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ, TP. Huế), chúng tôi không khỏi giật mình khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện cơ sở đang tồn chứa hàng chục bình gas trái phép. Cụ thể, tồn chứa 29 bình gas còn niêm phong loại 12kg, 2 bình gas còn niêm phong loại 48 kg, 125 vỏ gas các loại. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ kinh doanh theo quy định. Được biết, vào năm 2015, một kho chứa gas của cơ sở này đặt tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang từng xảy ra cháy nổ lớn làm một người thiệt mạng. Việc cơ sở kinh doanh tồn trữ một lượng gas rất lớn trong điều kiện không đảm bảo an toàn trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ rất cao.
Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số cơ sở vì lợi nhuận kinh doanh, không chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) như: bố trí quá trữ lượng quy định, sắp xếp không theo quy định an toàn PCCC. Diện tích chật hẹp, lại nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc, sự cố xảy ra cháy nổ là điều không thể lường trước. Trong khi đó, chưa nói đến việc nhiều cửa hàng không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC; tồn trữ lượng gas vượt quá quy định, thậm chí có cửa hàng, kho chứa còn có hiện tượng tổ chức sửa chữa bình, bếp gas, san, chiết nạp gas trái phép...
Thượng úy Lê Khắc Đăng Ánh, Đội phó thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở kinh doanh gas, kho gas. Nhóm cơ sở này được xếp vào loại hình kinh doanh đặc biệt, do đó theo định kỳ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt. Đợt nào đi kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đều phát hiện sai phạm dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Nhiều cửa chủ hàng thuê nhà ở để kinh doanh gas. Từ năm 2015 đến nay đã phát hiện 7 cơ sở tồn chứa gas chưa đúng quy định, ra quyết định xử phạt vi phạm hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý là đã có 2 vụ cháy, nổ do tồn trữ khí gas. “Đối với những bình chứa gas lớn, chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Ví dụ, theo quy định, những ngày trời nắng nóng, các bình khí gas phải được phun nước liên tục làm mát để đảm bảo an toàn phòng ngừa cháy nổ. Tuy nhiên, quy định này có được tuân thủ đúng hay không thì chỉ có người thực hiện mới biết”- Thượng úy Lê Khắc Đăng Ánh chia sẻ.
Cần chế tài mạnh
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, trước tình hình vi phạm an toàn PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn về cách thức sử dụng gas tại các cơ sở và hộ gia đình nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm về công tác PCCC. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật.
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, hoạt động kinh doanh gas hiện được quy định bởi Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, trong đó có quy định mức xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc vi phạm xảy ra vừa qua vẫn chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, không tạo được sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Để phòng ngừa hậu họa từ những vi phạm kinh doanh, san chiết gas, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát PCCC, chính quyền cơ sở, quản lý thị trường, công an. Đồng thời phát động người dân phản ánh hành vi, vi phạm các quy định về an toàn PCCC, nhất là hành vi tồn trữ gas để san, chiết gas trái phép nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý, tránh xẩy ra những vụ việc cháy, nổ đáng tiếc.
Bài, ảnh: Thái Bình