ClockThứ Sáu, 30/08/2024 11:32

Lừa đảo trên không gian mạng: Ngày càng tinh vi, khó lường

TTH - Đó là nhận định của các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh trước hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên không gian mạng thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Thi trực tuyến tìm hiểu kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạngTăng cường phòng, chống lừa đảo trên không gian mạngNghiên cứu "độ trễ" cần thiết để ngăn nạn lừa đảo trên không gian mạng

Một trong 7 đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao 

Liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn

Đại diện Công an tỉnh khẳng định, đối tượng cầm đầu đường dây LĐCĐTS thường là người nước ngoài; liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, hành vi phạm tội. Quy mô hoạt động của các đối tượng không chỉ trong nước, trong tỉnh mà xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT).

Chị P.T.M, một bị hại trú tại phường Vĩ Dạ (TP. Huế) nhớ lại: “Tôi đăng ký thi IELTS cho con qua mạng, nhưng bị các đối tượng xấu lừa lấy mất số tiền hơn 90 triệu đồng. Thấy trên mạng có thông tin quảng cáo mang tên “Công ty luật hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bị treo”, nên tôi đã liên hệ nhờ lấy lại số tiền bị lừa đảo. Hy vọng lấy lại được tiền bị lừa, tôi đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng gần 25 triệu đồng, thế là lại tiếp tục bị lừa”. “Qua sự việc, tôi mong rằng, người dân cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được tin tưởng những lời mời chào trên mạng khi chưa nắm bắt, kiểm chứng kỹ thông tin để tránh bị lừa”, chị P.T.M chia sẻ.

Đầu tháng 7/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ 7 đối tượng có hành vi “Sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. 7 đối tượng này đã thuê 2 căn hộ chung cư trên địa bàn TP. Huế để ở và làm “đại bản doanh” hoạt động phạm tội. Thủ đoạn của các đối tượng là chiếm quyền đăng nhập tài khoản facebook của người sử dụng, sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân của bị hại để mượn tiền (gửi qua số tài khoản) rồi LĐCĐTS của hơn 200 bị hại trên cả nước, với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Qua các vụ việc xảy ra, Công an tỉnh thông tin: Có 8 phương thức, thủ đoạn nổi lên mà các đối tượng thường sử dụng để LĐCĐTS trên không gian mạng. Đó là, giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng... sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền để làm thủ tục rồi tìm cách LĐCĐTS; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền; gọi điện đe dọa bị hại yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo…

Theo phân tích của lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, trong số 8 phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để LĐCĐTS, lừa đảo tình cảm, sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm việc online hoặc gửi tiền, quà có giá trị thường xảy ra nhất và các bị hại dễ bị mắc bẫy nhất. “Phụ nữ là đối tượng dễ bị LĐCĐTS nhất. Tiếp đó là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là trẻ em. Đây là nhóm dễ bị các đối tượng lợi dụng bằng chính sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi LĐCĐTS”, một cảnh sát hình sự Công an tỉnh chia sẻ.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa

Nhiều nguyên nhân để các đối tượng LĐCĐTS, nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là ý thức, tinh thần cảnh giác của mỗi người. Không những thế, sự thiếu hiểu biết về hoạt động, thủ đoạn LĐCĐTS mà các đối tượng sử dụng của người dân chưa cao. Nhiều người dân muốn có thêm thu nhập, hám lợi… để dẫn tới bị lộ lọt thông tin cá nhân.

Theo đại diện Công an tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này là, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhất là trong phối hợp xác minh dòng tiền chiếm đoạt; tài khoản ngân hàng còn bị mạo danh, mua bán, chuyển giao trái phép; lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn mỏng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, LĐCĐTS với nhiều hình thức. Mục đích là, hướng dẫn tất cả mọi người dân trên địa bàn tỉnh chủ động hơn nữa trong xác minh, kiểm tra thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền; không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất cứ hình thức nào, tránh sập bẫy các đối tượng LĐCĐTS.

“Ngoài chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi kiến nghị, đề xuất UBND các cấp, các sở, ban, ngành, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền; phổ biến thường xuyên các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng quản lý chặt hơn nữa các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, nhất là các tài khoản online; siết chặt việc đăng ký ví điện tử, liên kết tài khoản ngân hàng giao dịch, đảm bảo an toàn thông tin, xác thực thông tin khách hàng. Các đơn vị nội chính; trong đó, có công an phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý các ổ, nhóm tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng”, Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao đổi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh tiếp nhận hơn 400 đơn trình báo của người dân bị lừa đảo qua mạng. Hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội.
Bài, ảnh: PHONG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận diện và phòng tránh tin giả trên không gian mạng

Trước những thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu của trận siêu bão này gây ra, mỗi ngày, trên mạng xã hội (MXH) có hàng trăm ngàn thông tin liên quan. Trong đó, có không ít những thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang trong dư luận và gây khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai của các cơ quan chức năng.

Nhận diện và phòng tránh tin giả trên không gian mạng

TIN MỚI

Return to top