|
Nhiều thông tin tuyển dụng có tính chất lừa đảo trên không gian mạng (Ảnh minh họa) |
Liên tiếp xảy ra lừa đảo
Công an huyện Phong Điền cho biết: Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để CĐTS của các bị hại, như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, làm quen qua mạng xã hội, dụ dỗ lôi kéo tham gia mua bán hàng trên mạng hưởng lợi cao, đầu tư kinh doanh hàng đa cấp, tiền ảo, tin nhắn nhận quà khuyến mãi... Quá trình hoạt động lừa đảo, CĐTS, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, nhằm tạo lý do hợp lý để nạn nhân tin tưởng chuyển tiền nhiều lần rồi chiếm đoạt với số tiền lớn.
Bằng những hình thức như trên, nhiều người dân trong huyện Phong Điền đã bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Vào tháng 3/2024, chị N.T.H.N, trú tại xã Phong Xuân đã tham gia nhận "nhiệm vụ" trên mạng xã hội để hưởng hoa hồng, sau đó bị đối tượng dụ dỗ góp tiền để hưởng lợi cao. Đối tượng đã tìm nhiều cách để cho rằng tiền gửi vào chưa thể chuyển lại do bị một số lỗi. Sợ mất tiền nên chị H đã liên tiếp chuyển tiền thêm theo yêu cầu của đối tượng, đã bị đối tượng chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 800 triệu đồng.
Tháng 4/2024, chị N.L.D.H, trú tại thị trấn Phong Điền qua tham gia mạng xã hội, có đối tượng đã mời chị H vào nhóm làm "nhiệm vụ" để hưởng hoa hồng cao. Chị H đã chuyển tiền để hưởng tiền hoa hồng, sau nhiều lần chuyển tiền cho đối tượng thì đối tượng lấy lý do bị lỗi nên không chuyển tiền hoa hồng, cũng như tiền đã góp. Sợ bị mất tiền nên chị H tiếp tục chuyển tiền để nhận lại theo yêu cầu của đối tượng. Hậu quả, chị đã bị đối tượng chiếm đoạt trên 475 triệu đồng.
Cũng trong tháng 4/2024, chị L.T.T, trú tại Phong Mỹ bị một đối tượng giả danh luật sư kết bạn trên facebook, liên hệ với chị T và hứa hẹn sẽ giúp chị T lấy lại số tiền mà chị đã bị lừa trên mạng xã hội trước đó. Chị T tin tưởng nên đã chuyển 12,5 triệu đồng cho đối tượng, sau đó bị chiếm đoạt.
Trước đó, vào cuối năm 2023, ông T.T, trú tại xã Điền Môn được đối tượng mời kết bạn qua Zalo. Sau khi kết bạn thì đối tượng xưng hô với bị hại giả danh là Công an và đưa hình ảnh lệnh bắt giam ông T do nghi ông có liên quan đến buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Yêu cầu ông T phải chuyển tiền cho đối tượng để không bị bắt, khởi tố, đồng thời không được báo cho cơ quan công an. Nghe vậy ông T hoang mang, lo sợ nên đã đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm để chuyển cho đối tượng theo số tài khoản đối tượng cung cấp và cung cấp thêm mã OTP. Tổng số tiền ông T bị chiếm đoạt là gần 400 triệu đồng.
Triển khai giải pháp ngăn chặn
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả, UBND huyện vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Công an huyện và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản trang mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…
Công an huyện là đơn vị chủ trì, tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; trong đó có tội phạm lừa đảo, CĐTS trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo, CĐTS, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Công khai số điện thoại đường dây nóng của lực lượng công an để toàn thể người dân được biết và kịp thời tố giác tội phạm.
Ông Nguyễn Đình Bách nhấn mạnh: Nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng tội phạm lừa đảo qua không gian mạng là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, CĐTS.
Giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm lừa đảo, CĐTS; thông báo về hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo, CĐTS trên không gian mạng gắn với vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn, bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua các buổi họp dân lồng ghép tuyên truyền, in tờ rơi phát đến từng hộ gia đình, phát qua hệ thống truyền thanh của địa phương, đăng tin bài trên các trang mạng xã hội chính thống… để người dân nhận thức, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản.