|
Thông qua mạng zalo, nhiều người đã tự giác giao nộp vũ khí cho cơ quan công an |
Từ zalo gõ trang “Nhân dân và cán bộ xã Quảng Thọ tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”, người dân có thể tìm kiếm các tin tức về ANTT, TTHC, số điện thoại của công an các xã, huyện Quảng Điền cũng được tích hợp trên thanh công cụ tạo sự thuận lợi cho người dân. Mạng xã hội giúp kết nối cộng đồng, lan tỏa thông tin nhanh chóng.
Nếu như trước đây, để làm được giấy tờ, ông Phạm Công Trình ở thôn La Vân Hạ (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) phải đi lại nhiều lần thì giờ đây, mọi việc đã tiện lợi hơn khi UBND xã xây dựng trang zalo, đăng tải các mẫu văn bản hoặc thông tin liên quan đến TTHC, giúp người dân ở nhà cũng có thể đăng ký các TTHC. Vào trang zalo này, người dân còn có thể gửi thông tin, hình ảnh, video phản ánh tình hình ANTT đến chính quyền. Việc tuyên truyền, cập nhật về phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm đến với người dân thông qua kênh này vẫn được diễn ra thường xuyên, liên tục mà không bị trở ngại, bất kể ngày đêm.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Th. ở thôn Phước Yên thấy trong đêm có nhóm người lén lút dùng thuyền khai thác cát trên sông Bồ, ông đã dùng điện thoại chụp, quay lại và gửi qua nhóm zalo của xã. Từ thông tin này, công an theo dõi và bắt giữ nhóm đối tượng khi đang khai thác trái phép cát trên sông Bồ. “Theo dõi trang zalo của xã, ngoài giải quyết các TTHC, tôi hiểu biết thêm về các thủ đoạn mới của loại tội phạm. Từ đó bản thân tôi cảnh giác và tuyên truyền cho người thân” - ông Th. cho biết.
Ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, trang zalo này đã tiếp nhận hàng trăm tin nhắn có giá trị. Đây là bước đột phá trong CCHC, vừa phòng ngừa tội phạm và bảo đảm ANTT tại địa phương. Qua đó, UBND xã đã phổ biến những thủ đoạn tội phạm, biện pháp phòng, chống; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tình hình tội phạm và các khuyến cáo cho người dân. Việc ứng dụng zalo để tuyên truyền phòng, chống tội phạm bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.
“Quan trọng nhất là người dân có thêm một kênh để tiếp cận kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tự quản, phòng ngừa, đấu tranh ngăn ngừa tội phạm nên cũng tích cực tham gia tố giác, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật. Từ khi triển khai mô hình nhóm zalo đã góp phần giúp quản lý địa bàn tốt hơn, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn được kéo giảm rõ rệt, góp phần ổn định ANTT tại địa phương” - ông Trần Kìm thông tin.
Với cách làm tương tự, hiện tất cả 10 xã, thị trấn của huyện Quảng Điền đã có mô hình nhóm zalo “Bảo vệ ANTQ”. Qua hơn 1 năm triển khai mô hình đã góp phần làm cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng được củng cố, phát triển. Mô hình nhóm zalo không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa chính quyền địa phương, công an và người dân mà còn giúp chính quyền và người dân gần nhau hơn, Công an tiếp tục dựa vào dân để tấn công, trấn áp tội phạm và xây dựng lực lượng.
Trung tá Lê Quang Tuyên, Đội phó Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ ANTQ Công an huyện Quảng Điền cho biết, hiện nay, trong xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, công tác đảm bảo ANTT trên không gian mạng là một yêu cầu cấp bách, đặc biệt phải coi trọng. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm trên địa bàn và lợi ích mang lại từ việc sử dụng mạng xã hội của các đơn vị, Công an huyện chỉ đạo triển khai thí điểm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng.
“Thay vì tổ chức tuyên truyền miệng trực tiếp, mất thời gian thì các văn bản sẽ được đăng tải trên các trang, các nhóm zalo này. Từ việc đăng ký lưu trú, hộ khẩu… cho đến hướng dẫn các TTHC khác, để người dân tiếp cận và không phải đến các trụ sở cơ quan Công an. Đồng thời, giữa Công an cơ sở sẽ thường xuyên tương tác với người dân, với quần chúng hơn, qua đó sẽ được người dân cung cấp thông tin liên quan đến ANTT trên địa bàn nhằm xử lý kịp thời”, Trung tá Lê Khắc Tuyên nói.
Hiện Công an huyện Quảng Điền tiếp tục chỉ đạo Công an xã tham mưu UBND cấp xã duy trì, nhân rộng mô hình nhằm góp phần phòng, chống tội phạm, vừa nâng cao chất lượng CCHC, thông qua mô hình công khai TTHC, tạo thuận lợi cho người dân nắm bắt thông tin, giảm bớt thời gian và chi phí đi lại. Đồng thời, giám sát, lắng nghe ý kiến của người dân trong công tác phòng ngừa tội phạm được phát huy, góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội.