ClockThứ Bảy, 09/11/2019 09:45

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, Chủ tịch nước công bố ngày 08/12/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Xây dựng ý thức thượng tôn pháp luậtThực hiện tốt tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ hạn chế được khiếu nại, tố cáoThực hiện nghiêm túc nghị quyết TƯ 7 (Khóa XII) liên quan đến công tác cán bộXây dựng xã hội thượng tôn pháp luật

Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ đổi mới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam.

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Hiến pháp năm 2013 ra đời phản ánh thành quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 8 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc xây dựng Hiến pháp đã kế thừa, phát triển và hình thành nhiều tư duy pháp lý mới mang tính nền tảng, cơ bản, chủ đạo và tạo cơ sở pháp lý - chính trị cao nhất cho quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới. Trong đó, nổi lên là các nội dung như: đề cao chủ quyền nhân dân, dân chủ trực tiếp; phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm; quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật; xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới và hoàn thiện các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và bảo vệ Tổ quốc...

Từ các giá trị của Hiến pháp và các tư duy mới đã dẫn đến sự thay đổi nhận thức sâu sắc của nhà làm luật và những người tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Quy định mới và tinh thần của Hiến pháp cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước phải rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở một cấp độ cao hơn về chất, nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung và tinh thần của Hiến pháp.

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp

Để triển khai thi hành Hiến pháp một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, công tác rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được triển khai ngay sau khi Hiến pháp được thông qua. Việc rà soát được tiến hành toàn diện, đồng bộ, bảo đảm khoa học, bài bản, trên cơ sở hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ tinh thần và quy định của Hiến pháp để kịp thời đề xuất hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội cho thấy, nhiều chế định quan trọng của Hiến pháp đã được luật hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp và các luật hiện hành; một số quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để phù hợp với Hiến pháp và thực tiễn hoạt động của Quốc hội; một số nội dung của Hiến pháp chưa được thể chế hóa cụ thể trong các luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 893/NQ-UBTVQH13 về Kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản bảo đảm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực lập pháp, trong công tác cán bộ liên quan đến nhân sự cấp cao của Nhà nước, trong vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh và trong công tác đối ngoại cũng đã được rà soát, trên cơ sở đó đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân…

Các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương cũng đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát một cách toàn diện. 11.786 văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã được rà soát. Trong đó, 245 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Đến nay, sau rà soát đã xử lý được 154 văn bản. 90.520 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp được rà soát; trong đó, tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với Hiến pháp là 41 văn bản của 06 địa phương. Đến nay, sau rà soát đã xử lý được 32 văn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc rà soát theo chuyên đề, bao gồm các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế và quyền con người.

Qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao đã phát hiện quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân về đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không phù hợp với khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 nên đã kiến nghị Quốc hội dừng thi hành quy định này. Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 08 luật không còn phù hợp với Hiến pháp, ban hành mới 01 pháp lệnh, 45 nghị quyết, thông tư hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh mới được thông qua. Các cơ quan kiểm sát đã tiến hành rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Cụ thể là: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2011; 02 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 02 thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và 06 thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Trên cơ sở rà soát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn… Kiểm toán nhà nước đã rà soát tổng số 76 văn bản; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, dừng thi hành hoặc ban hành mới 40 văn bản, trong đó có việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán nhà nước.

Đây là lần đầu tiên việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, với số lượng văn bản cần rà soát là rất lớn. Các cơ quan đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, cơ bản bảo đảm tiến độ; lập danh mục và kiến nghị, xử lý theo thẩm quyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như đưa ra các nguyên tắc lập và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thường xuyên đôn đốc các cơ quan rà soát, đề xuất đưa vào Chương trình các nội dung có liên quan để bảo đảm thi hành Hiến pháp; tăng cường công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đối với các đề nghị điều chỉnh và kiến nghị xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao các cơ quan bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng, yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình lập, xem xét, thông qua các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, những dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình phải được lựa chọn chặt chẽ, bảo đảm cần thiết, xác định rõ phạm vi, đối tượng, mục tiêu để bảo đảm tính khả thi; ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh đã được chuẩn bị kỹ, trong đó đặc biệt chú trọng đến các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm của mình cũng đã chủ động đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các văn bản triển khai thi hành Hiến pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Sau 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục dự kiến tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành. Những dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành này cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết của việc ban hành và đánh giá tác động kỹ các chính sách trong dự án luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở xác định thời điểm hợp lý sửa đổi, bổ sung, ban hành từng văn bản đó. Ngoài ra, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ban hành 34 luật, pháp lệnh không nằm trong Danh mục. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người và thể chế quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước nên được các cơ quan quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành.

Về cơ bản, nội dung của các luật, pháp lệnh được ban hành đã cụ thể hóa và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bám sát và thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thông qua triển khai thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top