Tham dự hội nghị có đông đảo các đại biểu là đại diện các sở, ngành, địa phương và nhiều chuyên gia luật.
|
|
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu |
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo để thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu ý kiến với Dự án Luật này và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật. Ngày 15/3/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về các nội dung lớn, nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
So với bản dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung tại các điều, khoản, Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo đã thống nhất: Bỏ 3 điều; bổ sung 5 điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 14 nội dung của các Luật có liên quan tại dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; bổ sung thêm phụ lục quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; từng điều khoản đã được hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý về áp dụng pháp luật (Điều 3); bình ổn giá và Qũy bình ổn giá quy định tại chương IV, mục I, đồng thời nghiên cứu các tiêu chí của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được dự thảo luật quy định.
Các quy định của dự thảo luật về nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá tại Điều 18; các biện pháp về bình ổn giá và cách tổ chức thực hiện bình ổn giá được quy định tại Điều 19, 20; tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; phương pháp định giá và quy định về ban hành định giá, điều chỉnh mức giá, quy định cơ chế, chính sách về giá…cũng được các đại biểu quan tâm.
Ngoài ra, việc có nên đưa vào dự thảo luật quy định về giá trần, giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hàng không hoặc các phương tiện vận chuyển khách như, đường bộ, đường sắt…. để đảm bảo tính bao quát và sát với thực tiễn khi luật được ban hành hay quy định và các tiêu chuẩn thẩm định giá, bảo đảm tương thích với quy định khác của pháp luật liên quan; quy định về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá…cũng được thảo luận, góp ý.
Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm, dự thảo luật cần làm rõ một số điều kiện khi doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận kinh doanh, nhằm tạo sự thống nhất trong các dự án luật khác về đăng ký kinh doanh.
|
|
Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm tại hội nghị |
Liên quan đến Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung trao đổi, góp ý về phạm vi, đối tượng điều chỉnh tại Điều 1, Điều 2 và sự phù hợp của việc bổ sung đối tượng là “tổ chức” của khái niệm người tiêu dùng trong dự thảo luật.
Về việc giải quyết tranh chấp tại tòa án, hiện nay Chính phủ, các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra thống nhất với quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn và đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng dân sự để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Các đại biểu cũng thống nhất việc bổ sung thêm quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia các dịch vụ công trong dự thảo luật, vì dự thảo luật hiện chỉ mới đưa vào một quy định (khoản 4, Điều 10) là vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ, vì dịch vụ công là một thiết yếu trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay và có tác động rất lớn đến đời sống người dân, tổ chức.
Các quy định liên quan đến việc đảm bảo cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh hơn phân quyền cho các cơ quan, các cấp; bảo đảm tính đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, tính thống nhất trong quản lý nhà nước, hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn cũng được đề nghị bổ sung, làm rõ.
Lãnh đạo Công an tỉnh cho rằng, dự án Luật cần cụ thể hóa hơn nữa, để quy trách nhiệm các cá nhân, tổ chức bán hàng trực tuyến trên không gian mạng, qua đó có cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng.
Tiếp thu ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu, trên cơ cở các ý kiến của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo, có ý kiến với Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Bà Sửu cho biết, việc sửa đổi Luật nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, khắc phục vướng mắc, xác định rõ sự điều tiết của Nhà nước, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quy định của Luật sẽ rõ ràng, tránh trùng lặp hoặc xung đột với các luật có liên quan.