ClockThứ Bảy, 06/04/2019 08:47

Những bài học từ các vụ cướp giật tài sản

TTH - Theo số liệu thống kê, năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 40 vụ cướp giật tài sản, trong đó nạn nhân nữ chiếm 35 vụ (88%). Nhiều người đặt câu hỏi vì sao các đối tượng gây án lại thường chọn nữ giới để làm “con mồi” khi thực hiện hành vi phạm tội.

Bắt đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sảnBắt các đối tượng dùng biển số giả gây ra hàng loạt vụ cướp giậtKhởi tố, bắt đối tượng có tiền án gây ra nhiều vụ cướp giật tài sản

“Mồi ngon"

Trên các tuyến phố, dễ dàng bắt gặp cảnh “khoe” đồ hiệu của các chị em với điện thoại, túi xách “xịn”, “hàng hiệu” được mang đi “dạo phố”. Thời gian từ 17h đến 22h hàng ngày thì cảnh tượng này càng nhiều hơn, nhất là vào những ngày hè thời tiết đẹp.

Chị Nguyễn Thị N. trú tại phường Phú Nhuận nói: Đi đâu không mang túi xách bất tiện lắm. Điện thoại khi nào cũng phải có bên cạnh vì còn công việc, bạn bè. Biết là nguy hiểm nhưng chỉ cần đi đường mình cảnh giác, chú ý thêm là được. Cùng ý kiến, chị Lê Anh K., trú tại phường Phú Hòa bộc bạch: Túi xách, điện thoại, dây chuyền là đồ trang sức để làm đẹp cho chị em nên đi đâu không mang theo bên mình thấy khó chịu và... không quen. 

Theo Thượng tá Võ Văn Sáu – Phó Trưởng Công an TP. Huế: Qua điều tra các vụ cướp giật tài sản xảy ra gần đây, nạn nhân nữ chiếm gần 90%.

Các đối tượng không chỉ lợi dụng phụ nữ mang điện thoại, túi xách… sơ hở để cướp giật mà còn gây án manh động, liều lĩnh. Không ít nạn nhân làm nghề buôn bán trang sức, các tài sản có giá trị, thường buổi tối đưa tài sản về nhà, sáng sớm đưa lên cửa hàng, bị các đối tượng theo dõi thực hiện hành vi cướp giật. Do có chuẩn bị trước nên chúng tẩu thoát rất nhanh, có nhiều thủ đoạn để che giấu nên rất khó trong  quá trình điều tra.

Lời khai từ đối tượng gây án 

Mới đây, Công an TP. Huế kịp thời truy xét “nóng”, bắt 2 đối tượng gây nhiều vụ cướp, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Đó là Võ Quốc Huy (SN 1996) và Nguyễn Minh Nhật (SN 2001), trú tại phường Kim Long, TP. Huế. Huy và Nhật khai nhận: Vào thời gian từ 17h đến 23h hàng ngày, cả 2 thường điều khiển mô tô lượn lờ trên các tuyến phố để quan sát. Khi phát hiện phụ nữ hay các đôi nam nữ chở nhau trên xe máy vừa đi vừa nghe điện thoại, túi xách treo trước gương hay mang bên người, liền áp sát cướp giật và tăng ga tẩu thoát. Khi được hỏi vì sao lại chọn nạn nhân nữ để gây án, Huy và Nhật khai: Ngoài sự sơ hở, phụ nữ thường có phản ứng chậm, mất bình tĩnh và hoảng loạn khi bị cướp tài sản bất ngờ nên dễ dàng tẩu thoát.

Theo đối tượng Trần Thiện Nhân và Trần Nguyễn Thiện Bảo (đều SN 1996, trú tại phường Thuận Lộc, TP. Huế; từng gây ra vụ cướp giật tài sản, chiếm đoạt gần 100 triệu đồng tại đường Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa, TP. Huế): Mục tiêu chúng chọn phụ nữ hoặc người lớn tuổi chở phụ nữ ngồi giữ tài sản phía sau xe máy khi đi đường là vì họ phản ứng chậm, sự kháng cự yếu ớt và có tâm lý chủ quan, lơ là khi mang tài sản nên dễ gây án và tẩu thoát.

Mới đây, hai đối tượng Trương Ngọc Quốc Bảo, SN 1983 và Phạm Thị Yến Nhi, SN 1998, cùng trú tại phường Thuận Thành, TP.Huế gây ra nhiều vụ cướp giật tài sản của phụ nữ và du khách nước ngoài cũng có những lời khai tương tự.

Thượng tá Đinh Xuân Đại – Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khuyến cáo: Khi bị cướp giật, nạn nhân không chỉ bị mất tài sản mà hậu quả nghiêm trọng nhất là tai nạn giao thông. Đã không ít người bị chấn thương nặng khi bị các đối tượng gây án.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự đã tập trung lực lượng, phối hợp làm rõ nhiều vụ phạm pháp hình sự nói chung và cướp giật tài sản nói riêng. Đối tượng gây án thường là nam thanh niên, thời gian gây án tập trung vào 17h đến 23h, phương tiện chúng thường sử dụng là xe mô tô. Do vậy, khi vụ án xảy ra mong người bị hại cũng như người đi đường nhanh chóng truy hô, ghi nhận đặc điểm đối tượng, phương tiện để giúp cơ quan Công an sớm điều tra làm rõ. Điều quan trọng nhất là mọi người phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, để bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe cho chính mình - Thượng tá Đinh Xuân Đại cho biết thêm.

AN NHIÊN - MINH THẮNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ công tác kê khai tài sản, thu nhập

Ngày 29/8, Huyện ủy Phú Vang phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kê khai tài sản, thu nhập. Dự lớp bồi dưỡng có ông Hoàng Nhất Đông – TUV, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy; ông Phan Viết Giảng – Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ công tác kê khai tài sản, thu nhập
Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một dấu mốc chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 79 năm đã qua nhưng những bài học, kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị thời đại, nhất là bài học về giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học
Return to top