Khu vực rừng ven biển Cảnh Dương, nơi được giao cho các cá nhân và cả cán bộ huyện vào thời điểm năm 1995
Khu vực đất cát ven biển thôn Cảnh Dương hiện đang được trồng cây phi lao (rừng dương) chắn gió, cát và giao HTX Bình Dương (xã Lộc Vĩnh) quản lý.
Thời điểm giao đất (năm 1995) cho các cá nhân, cán bộ trồng rừng phòng hộ nhằm chắn gió, chống cát bay, bảo vệ bờ biển và môi trường sinh thái là hết sức cần thiết, tăng độ che phủ rừng theo dự án PAM. Việc giao 24 ha đất (chia làm 15 lô) cho 15 cán bộ (tổ công đoàn văn phòng UBND huyện Phú Lộc lúc đó) cũng nhằm mục đích sớm tăng độ che phủ rừng.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện đã để xảy ra những vi phạm. Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc lúc đó ban hành các quyết định về việc thu hồi đất của HTX Bình Dương là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 và Điều 28 Luật Đất đai năm 1993.
UBND huyện Phú Lộc cấp 62 giấy CNQSDĐ từ quyết định giao đất trồng rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất là không đúng mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 14 Luật Đất đai 2003; Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về Giấy CNQSDĐ; Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 17/2009/TTBTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Do chuyển đổi mục đích sử dụng và cấp giấy CNQSDĐ rừng sản xuất nên 24 hộ gia đình, cá nhân đã chuyển nhượng cho người ngoài địa phương, dẫn đến không thể thu hồi theo Điểm d, Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai năm 2013.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất khu vực ven biển Cảnh Dương theo kết luận thanh tra và xử lý theo quy định của Đảng.
Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tham mưu điều chỉnh quy hoạch để đưa khu vực rừng ven biển tại thôn Cảnh Dương nêu trên vào quy hoạch là rừng phòng hộ; chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc có biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân vi phạm để xử lý theo quy định.
Đối với UBND huyện Phú Lộc, kết luận thanh tra nêu rõ cần nhanh chóng chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND xã Lộc Vĩnh tiến hành rà soát tham mưu xử lý theo thẩm quyền; kiểm tra nguồn gốc sử dụng đất của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lô và ông Huỳnh Đăng Truyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiến hành thủ tục thu hồi các giấy CNQSDĐ đã cấp sai mục đích sử dụng đất.
Riêng các trường hợp đã chuyển nhượng và đã hoàn tất thủ tục đăng ký biến động theo quy định của Pháp luật thì không thu hồi giấy CNQSDĐ theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai. Nhưng UBND huyện phải tiến hành các thủ tục để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai và Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Cuối năm 2018, Báo Thừa Thiên Huế có bài phản ánh liên quan đến việc cấp giấy CNQDĐ tại thôn Cảnh Dương cho 15 cá nhân là cán bộ cấp huyện trước đây (đa số đã nghỉ hưu) chưa đúng với Thông tư 06 năm 1994 của Bộ Lâm nghiệp (lúc đó). Cụ thể, đối tượng được giao nhận đất là người địa phương, hoặc có tạm trú hợp pháp tại địa phương, nhưng 15 cá nhân được nhận trên chủ yếu là cán bộ ngoài địa phương. |
Tin, ảnh: Đức Quang