Theo cáo trạng, ba đối tượng tống tiền bị bắt và truy tố tội “cưỡng đoạt tài sản” gồm Đinh Ngọc Trung (29 tuổi, trú quận 12, TP.HCM, làm nghề kinh doanh), Trương Ngọc Vũ (26 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, làm nghề lái xe), Huỳnh Ngọc Thọ (28 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Riêng Ngô Quốc Bảo là người khởi xướng việc tống tiền nhưng sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa phương, cơ quan điều tra đang ra lệnh truy nã toàn quốc.
Quay phim để… tống tiền
Theo tài liệu, nhóm thanh niên tống tiền đã khảo sát địa điểm tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Phòng CSGT đường sắt - đường bộ (PC67) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thường hay dừng xe để kiểm tra là đoạn Quốc lộ 1A phía nam chân đèo Phước Tượng (thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc). Trước đó, tại một quán nước ở Đà Nẵng, nhóm đối tượng đã trao đổi, bàn bạc về việc ra huyện Phú Lộc để quay lại hình ảnh của CSGT đang làm việc nhằm đe dọa chiếm đoạt tài sản. Khoảng 3g sáng 19/4/2010, Bảo, Trung, Vũ và Thọ sử dụng hai môtô chạy từ Đà Nẵng ra Huế, đến ngã ba Khu kinh tế Chân Mây, Trung cầm máy quay phim đi vào một ngôi nhà hoang bên đường, ba người kia quay lại Đà Nẵng.
Đến 6g sáng cùng ngày, tổ tuần tra kiểm soát thuộc PC67 gồm năm cán bộ do trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát số 2, làm tổ trưởng triển khai nhiệm vụ dừng ôtô để kiểm tra trên Quốc lộ 1A (đoạn thuộc xã Lộc Thủy). Lúc này, Trung nấp sau cánh cửa ngôi nhà hoang cách địa điểm tổ tuần tra hơn 50m sử dụng máy quay phim ghi lại toàn bộ hoạt động của tổ CSGT. Sau khi ghi hình đầy đủ, Trung điện thoại cho Bảo đến chở về Đà Nẵng, rồi đưa máy quay phim cho Bảo sao chép hình ảnh ra USB.
Trưa 20/4/2010, Trung và Bảo chạy xe máy ra huyện Phú Lộc, mang theo một phong bì ghi “Gửi các anh CSGT”, bên trong bỏ một USB kèm theo tên người gửi và số điện thoại di động. Hai người thuê một người đi xe ôm chuyển bì thư đó cho tổ CSGT do trung tá Phạm Văn Phong, Tổ trưởng, đang làm nhiệm vụ. Ông Phong mở máy vi tính xem nội dung trong USB thì thấy có hình ảnh của tổ tuần tra của trung tá Vinh liền chuyển USB đó cho ông Vinh xử lý. Khi mở USB ra xem, ông Vinh thấy có những hình ảnh thể hiện những sai phạm của tổ tuần tra, liền bàn bạc với các thành viên trong tổ.
Tối 20/4/2010, ông Vinh điện vào số điện thoại ghi trên phong bì. Phía đầu kia lên tiếng: “Tôi là Quốc Phong, là nhà báo. Các anh xem hình có đẹp không? Chừ ý các anh thế nào? Muốn tôi đưa lên mạng, lên báo hay đưa cho trưởng phòng?”. Ông Vinh nói: “Thôi anh cứ từ từ” rồi tắt máy. Tiếp đó, ông Vinh kể cho 4 người còn lại trong tổ tuần tra cùng nghe. Lúc này, cả tổ công tác đều xác định với thái độ đe dọa trắng trợn như vậy thì người này không phải là nhà báo mà là đối tuợng lưu manh. Nhưng vì biết có sai phạm trong quy trình làm nhiệm vụ, nếu bị đưa các đoạn hình ảnh đó lên mạng internet hay chuyển cho trưởng phòng thì cả năm người trong tổ sẽ bị kỷ luật, điều chuyển công tác, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và gia đình, nên thống nhất giao ông Vinh điện thoại vào số máy kia để xem người này là ai và có yêu cầu gì. Khi ông Vinh điện thoại trở lại thì người xưng là Quốc Phong ra điều kiện, muốn được bỏ qua phải chi 200 triệu đồng. Ông Vinh tắt máy và nhắn tin lại chấp nhận chi 30 triệu đồng. Hai bên nhắn tin qua lại nhiều lần, cuối cùng thống nhất giá 120 triệu đồng. Nhóm CSGT (năm người) thống nhất mỗi người góp 24 triệu đồng để đưa cho nhóm đối tượng trên.
Bắt và khởi tố vụ án
Ngày 21/4/2010, ông Vinh trực tiếp chuyển 120 triệu đồng vào một số tài khoản theo yêu cầu của phía bên kia. Tuy nhiên, chiều 23/4/2010, ông Vinh lại nhận được nhiều tin nhắn đòi phải chuyển tiếp 120 triệu đồng, nhưng tổ tuần tra không chấp nhận. Đến ngày 4/5/2010, người xưng là Quốc Phong điện thoại cho Trưởng phòng PC67 (lúc này là trung tá Hồ Xuân Phương) cho biết có hình ảnh cán bộ của phòng này sai phạm trong tuần tra kiểm soát. Tiếp đó, hai người trong nhóm chạy xe từ Đà Nẵng ra TP Huế, thuê một người xe ôm đưa chiếc USB đến trưởng phòng PC67. Sau khi nghe năm cán bộ của tổ tuần tra báo cáo sự việc bị tống tiền, Trưởng phòng PC67 báo cáo vụ việc lên Ban giám đốc Công an tỉnh.
Ngày 5/8/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba đối tượng Trung, Vũ và Thọ để điều tra tội “cưỡng đoạt tài sản”, còn Bảo bỏ trốn khỏi địa phương hiện chưa bắt được. Theo lời khai của các đối tượng tại cơ quan điều tra, do cần tiền tiêu xài cá nhân, nên bọn chúng đã nảy sinh ý định đi tống tiền lực lượng CSGT. Số tiền 120 triệu đồng lấy được, Bảo lấy 50 triệu đồng rồi đưa cho Vũ 2 triệu đồng; Trung lấy 70 triệu đồng và đưa cho Thọ 2 triệu đồng. Tất cả số tiền trên được nhóm này dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Ngày 27/2/2013, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ra cáo trạng, truy tố các bị can này về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Ngày 19/3, thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cáo trạng đã chuyển sang Tòa án nhân dân tỉnh để chuẩn bị đưa ra xét xử.
Không xác định được hành vi mãi lộ
Ngoài ra, Trung còn khai nhận: Ngày 9/4/2010 bằng thủ đoạn sử dụng các đoạn video quay lại hình ảnh của CSGT Công an TP Đà Nẵng do Bảo quay được trước đó, Trung cùng Bảo đã đe dọa tống tiền và chiếm đoạt của CSGT Công an TP Đà Nẵng số tiền 80 triệu đồng rồi chia nhau mỗi người 40 triệu đồng. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thông báo cho cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng để điều tra xử lý theo thẩm quyền.
|
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, qua điều tra, xác minh theo băng ghi hình của nhóm tống tiền, không xác định được tổ CSGT có hành vi nhận tiền mãi lộ nên không có cơ sở xử lý. Tuy nhiên theo hình ảnh ghi được, tổ tuần tra này có sai phạm về quy trình như yêu cầu dừng nhiều ôtô cùng một lúc, CSGT không đưa tay chào khi gặp tài xế, không trực tiếp đến ôtô để kiểm tra thực tế, tài xế ôm và bắt tay với CSGT, CSGT ôm tài xế và hút thuốc lá. Do đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định kỷ luật và điều chuyển cả 5 cán bộ trong tổ công tác nói trên; đồng thời, nghiêm túc phê bình rút kinh nghiệm trong toàn bộ lực lượng.
Như vậy, trong vụ án này, Bảo là người rủ rê, khởi xướng việc thực hiện tội phạm nên phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, sau khi gây án Bảo bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ phục hồi xử lý sau. Trung là người thực hành rất tích cực trong việc quay phim và cưỡng đoạt chiếm đoạt tài sản nên chịu trách nhiệm tiếp theo. Còn Thọ và Vũ là người giúp sức nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm trong vụ án.