|
Công an làm việc với đối tượng cho vay lãi nặng |
Hai vợ chồng bị lực lượng chức năng khởi tố là Lê Văn Cẩm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987 và cùng trú tại 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).
Các đối tượng khai nhận, từ khoảng cuối năm 2021 đến nay đã cho nhiều người dân, tiểu thương… trên địa bàn TP. Huế vay tiền với lãi suất cao.
Khi có nhu cầu, người vay liên hệ trực tiếp với vợ chồng Cẩm để vay, không cần thế chấp tài sản, không giữ giấy tờ tùy thân của người vay. Do thủ tục thuận lợi, dễ dàng, nên có không ít người dân đã vay tiền của vợ chồng Cẩm.
Một điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, tổng số tiền mà vợ chồng Cẩm đã cho nhiều người trên địa bàn tỉnh vay là gần 3 tỷ đồng, với lãi suất từ 146%-182,5%/năm.
Bước đầu, Cơ quan công an đã làm việc được với 13 người, có hơn 90 lượt vay, 2 vợ chồng Cẩm thu lợi bất chính gần 200 triệu đồng.
Hiện, Cẩm đã bị lực lượng chức năng khởi tố, bắt tạm giam. Riêng vợ Cẩm là Nguyễn Thị Diệu Hiền được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Việc CVLN tuy không mới, nhưng gây âm ỉ, bất bình trong xã hội; gây nên những hệ lụy đau lòng của không ít gia đình có người thân dính vào vay lãi nặng của các đối tượng.
Hậu quả, là không ít người bị hành hung, đe dọa, khủng bố tinh thần; thậm chí phải bỏ đi khỏi địa phương để “trốn nợ”… Tình trạng đòi nợ thuê, hành hung con nợ… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương cũng đã xảy ra. Nhiều gia đình canh cánh nỗi lo người thân dính vào CVLN.
“Trong cuộc sống đời thường hoặc trong chuyện làm ăn, nhu cầu vay tiền của người dân là hết sức bình thường, nhưng vay ở chỗ nào và như thế nào mới là điều quan trọng. Nếu vay ngoài có nhanh, thuận lợi, nhưng với lãi suất cắt cổ thì sẽ gặp rất nhiều hệ lụy. Trường hợp không thể trả nợ được do lãi suất quá cao, các đối tượng sẽ tìm cách để đòi nợ, bất chấp pháp luật”, một tiểu thương buôn bán tại chợ Tây Lộc, TP. Huế chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra nhiều vụ đòi nợ của các đối tượng CVLN. Các đối tượng dọa đưa giang hồ đến “xử”, nếu con nợ không chịu trả nợ hoặc trả nợ chậm, mất khả năng trả nợ.
Còn nhớ, Công an TP. Huế đã từng bắt, xử lý Đặng Văn Tuấn, thường trú tại xã Đồng Sơn, TP. Hạ Long (Quảng Ninh), tạm trú tại phường Phú Thượng (TP. Huế) để điều tra về hành vi CVLN trong giao dịch dân sự, với lãi suất từ 121,67%/năm đến 240%/năm. Những nạn nhân từng vay tiền của Tuấn, gặp khó khăn không trả được nợ đã bị đe dọa sẽ cho giang hồ đến “xử”.
Hệ lụy khi dính vào vay lãi nặng là thực tế cho thấy. Tuy nhiên, mỗi người cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời tố cáo khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu liên quan đến hoạt động CVLN với cơ quan công an.
Người dân cũng nên thận trọng và tránh xa các hình thức CVLN, hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng CVLN để đề phòng.
Khi có nhu cầu vay vốn cần cẩn trọng tìm hiểu rõ tính pháp lý của đơn vị cho vay và đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay tiền xem lãi suất là bao nhiêu, cách tính lãi suất và có phương án trả nợ cụ thể.
Cần thiết, người vay có thể đến UBND nơi mình cư trú nhờ sự giúp đỡ của các đoàn thể, qua đó sẽ tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp. Như vậy, vừa bảo vệ quyền lợi, tính mạng của bản thân, gia đình, vừa góp phần giữ vững ổn định về an ninh trật tự ở cơ sở.
Đã không ít lần lực lượng công an cảnh báo về hình thức CVLN của các đối tượng, nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp, cần phải suy ngẫm. Đừng để đến lúc khi người thân, gia đình biết chuyện thì sự việc đã rồi; trở thành “gánh nặng”, “tiền mất, tật mang”. Vay lãi nặng - cố tình hay sự bất chấp làm liều?