“Thân mật” hóa lệch lạc
Vụ thứ nhất: Lê Thị Kim A và Nguyễn Ph có quan hệ yêu đương. Ngày 10-8-2014, cặp đôi cùng một số nam nữ thanh niên khác tổ chức ăn uống tại nhà trọ của A tại đường Trần Phú, Tp Huế. Trong cuộc vui, Ph nói to tiếng với một số người khiến A không bằng lòng, cự cãi. Ph giận dỗi bỏ vào phòng nằm, sau đó “lệnh” cho mọi người đứng dậy ra về. Trước thái độ đó của người yêu, A bực tức. Vậy nên, lúc Ph kéo A lại để hôn trước khi về, A phản ứng, không cho. Thanh niên này vẫn ép người yêu vào tường để hôn cho bằng được, không ngờ bị A vớ cây dao để trong chạn đựng chén bát gần đó đâm vào ngực, Ph tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo lời khai của A, thời gian bị cáo và bị hại yêu nhau vừa tròn 1 tháng. Ngày nào bị hại cũng đến phòng trọ của bị cáo. Lúc thì hai người cùng nhau đi chơi, lúc tổ chức ăn uống tại phòng trọ. Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình xảy ra trong buổi ăn uống ngày 10-8-2014 như nêu trên. Tuy nhiên A phân bua, không chủ ý tước đoạt sinh mạng người yêu. Khi thấy nạn nhân bị chảy máu do nhát đâm, bị cáo cũng không nghĩ Ph sẽ mất mạng. “Đang trong cơn bực bội, nên khi bị anh Ph ép vào tường để hôn cho bằng được và để đánh bị cáo nên bị cáo mới vơ cây dao đâm”. Tuy nhiên, các nhân chứng khẳng định, bị hại không đánh mà chỉ “ép hôn” bị cáo. Ngược lại, trước đó, bị cáo nhiều lần tát vào mặt bị hại, dùng chân đá vào hông, dùng tay đập vào vai để gọi bị hại dậy (khi bị hại dỗi bỏ vào phòng nằm). Nhưng ai cũng nghĩ rằng, vì hai người đang yêu nhau nên có hành động như thế.
Tòa nhiều lần hỏi, vì sao người yêu chỉ muốn hôn trước lúc ra về mà bị cáo “đáp lại” bằng nhát dao oan nghiệt? Bị cáo cúi đầu không trả lời, chỉ nói rất ân hận. Tòa phân tích, đó là hành vi mang tính côn đồ, coi thường pháp luật, sức khỏe tính mạng của người khác, mà trong trường hợp này người đó lại là người yêu của bị cáo.
Nông nổi
Vụ tiếp theo, trong phiên tòa xét xử Nguyễn Hữu Q phạm tội “bắt, giữ người trái pháp luật”, bị cáo lại khai rằng đã có mối quan hệ yêu đương với bị hại 6 năm. Vậy nhưng, bị hại lại nói với bị cáo hiện tại đã có người yêu mới, không đến với Q nữa, nên bị cáo rơi vào trạng thái buồn và tổn thương nặng nề. Trong 1 giờ đồng hồ, bị cáo uống hết hai chai rượu để quên nỗi buồn. Buồn không quên được, bị cáo giấu dao trong túi quần tìm đến nhà người yêu để… nói chuyện. Bị cáo cho rằng, chỉ có ý định nói chuyện với người yêu thôi, nhưng vì bị hại không đồng ý, la lên, nên bị cáo mới cầm tay kéo vào phòng đóng cửa lại, dùng dao đe dọa, dùng băng keo trói chân nạn nhân… Bị hại vắng mặt. Tòa công bố lời khai của bị hại tại cơ quan điều tra, theo đó nạn nhân xác nhận bị cáo không có ý làm hại đến mình. Những vết xây xước trên tay là do hai người trong lúc giằng co cây dao, vô tình gây ra.
Bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo cho rằng rất ân hận về những điều đã gây ra. Chỉ vì tình yêu bồng bột, nông cạn mà đánh mất rất nhiều.
Lời kết
Dù được hưởng án treo, nhưng Q đã bị xử phạt tù, một “vết chàm” mà sau này Q phải nỗ lực rất nhiều, rất khó khăn để xóa đi. Còn Ph mất đi sinh mạng, để lại cho cha mẹ nỗi đau suốt cuộc đời. A ngồi tù 14 năm, là bản án đằng đẵng. Nhưng sự cắn rứt lương tâm mới chính là bản án nặng nề nhất. Từ những “bài học” này, thanh niên nam nữ cần tránh xa những suy nghĩ và hành động nông nổi, lệch lạc khi yêu.