Triển lãm Thừa Thiên Huế 90 năm báo chí yêu nước và cách mạng. Ảnh: Hội Nhà báo tỉnh cung cấp
Hai tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ
Trong dòng chảy của báo chí cách mạng tại Việt Nam, báo chí cách mạng ở Huế luôn hội đủ các điều kiện để ra đời và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn 1936 - 1939 khi Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp ra đời và chính sách thuộc địa mới ở Việt Nam có những chính sách nới lỏng cho hoạt động báo chí; đồng thời với sự phục hồi, phát triển của tổ chức Đảng ở Trung kỳ cũng như chủ trương của Đảng ta về phát triển báo chí trong giai đoạn 1936 - 1939.
Trong giai đoạn này, ở Huế xuất hiện hàng loạt đầu báo để thực hiện sứ mệnh mà Đảng giao: Nhành Lúa, Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn, Kinh tế Tân văn. Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo dùng nhiều hình thức, cử người đăng ký xin xuất bản hoặc mua lại báo, tờ này đình bản có tờ khác thay thế, tiếp tục mục tiêu tuyên truyền, vận động cách mạng… Trong đó phải kể đến Nhành Lúa; Kinh tế Tân văn là hai tờ báo ra đời và phát triển nối tiếp nhau.
Có thể nói, Nhành Lúa là tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy trong giai đoạn 1936 - 1939. Sau khi Nhành Lúa bị đình bản, Kinh tế Tân văn được khôi phục sau thời gian ngừng phát hành để kế tục sứ mệnh. Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn là hai tờ báo chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (Nhành Lúa ra đời được 9 số trong hơn 2 tháng, số 1 phát hành ngày 15/1/1937; số 9 ngày 19/3/1937; Kinh tế Tân văn được 4 số trong chưa đầy 1 tháng (từ 8/4/1937 đến 24/4/1937) và 1 số đặc biệt ra đời trước đó vào ngày 9/1/1937.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, báo Nhành Lúa “đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thành công nhiều cuộc vận động có ý nghĩa chính trị sâu sắc trên mặt trận báo chí, làm tiền đề cho các cuộc đấu tranh về sau ở Huế; đặc biệt là phong trào đón đặc sứ Godart – đại diện của Chính phủ bình dân Pháp sang kiểm tra tình hình lao động Đông Dương”; còn “Kinh tế Tân văn đã phát huy tối đa sức mạnh của cơ quan ngôn luận, là một trong những ngọn cờ tiêu biểu trên mặt trận báo chí, là vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén thể hiện rõ quan điểm của những người cộng sản ở Huế và Trung kỳ” (Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế. Kinh tế Tân văn - Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb Thuận Hóa. 2021).
Một vài đề xuất
Toàn bộ bản chụp, nội dung của hai tờ báo Nhành Lúa, Kinh tế Tân văn đã được Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, đặc biệt là nhà báo Dương Phước Thu sưu tầm, chỉnh để xuất bản thành sách phục vụ công tác nghiên cứu. Vai trò, giá trị của 2 tờ báo đã được lịch sử khẳng định, có vị trí xứng đáng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, tuy nhiên để Nhành Lúa, Kinh tế Tân văn cùng những tờ báo cách mạng khác ở Huế được tiếp tục có đóng góp trên các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa xã hội, tôi xin đề xuất một vài ý kiến như sau:
Thứ nhất: Thừa Thiên Huế là mảnh đất của báo chí, qua các giai đoạn lịch sử, báo chí ở Huế luôn phát triển để phản ánh phong phú đa dạng của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội... trong đó có dòng báo chí cách mạng và yêu nước. Để tôn vinh và tri ân những nhà cách mạng, nhà báo, những người có công trong xây dựng lịch sử báo chí ở Huế, cũng như khẳng định vai trò to lớn của báo chí nói chung, báo chí cách mạng nói riêng, trong đó có hai tờ Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn, thì nên chăng Thừa Thiên Huế nên tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, đề xuất cho một bảo tàng báo chí, phản ánh sự trân trọng đối với lịch sử báo chí đất Cố đô. Trong lúc chưa xây dựng được bảo tàng báo chí, thì đề nghị các cơ quan có chức năng, chuyên môn tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu di sản báo chí đến với các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thứ hai: Tổ chức xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế trong đó có hai tờ Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn.
Thứ ba: Từ những tư liệu báo chí đã được Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế sưu tầm, chỉnh lý và giới thiệu, các cơ quan nghiên cứu nên tổ chức nghiên cứu, coi đó là tư liệu thành văn mang tính xác thực cao để từ đó đúc rút những nguồn sử liệu quý bổ sung cho công tác biên tập, biên soạn, hiệu đính các đầu sách lịch sử địa phương.
Thứ tư: Chủ động phối hợp với các khoa báo chí, truyền thông thuộc các Trường Đại học, xây dựng các chuyên đề nghiên cứu về Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế nói chung, báo chí cách mạng, yêu nước nói riêng giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành, góp phần khẳng định thêm thế mạnh của Huế - Trung tâm báo chí của miền Trung xưa và nay.
Báo Nhành Lúa, Kinh tế Tân văn ra đời và đã làm tròn sứ mệnh của mình, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong lịch sử báo chí nước ta. Đặc biệt, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh đấu tranh vào 85 năm trước thì ngày nay những tư liệu lịch sử mà báo lưu trữ, những câu chuyện sinh động về quá trình xuất bản báo, hay cuộc đời - sự nghiệp của người làm báo ngày ấy lại trở thành đề tài cho các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu, các bảo tàng tiếp tục nghiên cứu phục vụ cho công tác viết sử, chuyên khảo hay tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề phục vụ công chúng, góp phần đưa di sản báo chí đến thế hệ hôm nay một cách trân trọng và tin cậy.
Nguyễn Hồng Hạnh
(Bảo tàng Hồ Chí Minh)