Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chỉ đạo huyện Phong Điền tập trung di dời những hộ dân ở vùng nguy cơ ngập lụt lên vùng cao
UBND huyện, UBND thị trấn huy động lực lượng tìm kiếm, nhưng đến trưa ngày 8/10 vẫn chưa tìm thấy.
Cũng trong mưa bão, anh Nguyễn Khoa Nam (SN 2000), trú tại thôn Ưu Thượng, xã Phong Thu trong lúc vận chuyển đồ đạc thì bị rắn cắn và đang cấp cứu tại Bệnh viện TW Huế cơ sở 2.
Hiện tại nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Phong Điền bị ngập và chia cắt nhiều đoạn. Tại Quốc lộ 49B, đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,8-1m, đoạn qua các xã Điền Hương đến Điền Lộc bị ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 0,4m. Đường WB từ xã Phong An đến xã Phong Xuân đoạn từ Vĩnh Hương - Bến Củi ngập 2m, dài khoảng 100m. Đường Tỉnh lộ 16 từ thị trấn đi Phong Mỹ đoạn Tổ dân phố Vĩnh Nguyên bị ngập chỗ sâu nhất 1m. Tỉnh lộ 4 từ Phong Bình đi Phong Chương chỗ sâu nhất 0,7- 1m. Một số tuyến đường liên thôn tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn, thị trấn, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thu bị ngập từ 0,3 – 1,5m.
Theo thống kê của huyện Phong Điền, mưa lũ đã làm hơn 900 nhà ngập trong nước từ 0,3 đến 0,8m, tập trung tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu... Về hoa màu có 31,5 ha bị ngập và hư hại tập trung tại các xã Điền Lộc, Điền Hòa. Đến nay, toàn huyện Phong Điền đã tổ chức di dời 253 hộ, 780 khẩu ở các điểm thấp trũng của các xã: Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu, thị trấn Phong Điền.
Nhiều ngôi nhà trên địa bàn huyện Phong Điền bị ngập sâu trong nước
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ và xả lũ của các đập thủy điện, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác ứng phó. Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thôn trưởng các thôn dọc sông Ô Lâu triển khai sơ tán dân khu vực có nguy cơ sạt lở; di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn. Chỉ đạo thu hoạch sớm diện tích rau màu, diện tích nuôi thủy sản để giảm mật độ, tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ. Gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản...
"Huyện chỉ đạo lực lượng công an huyện phối hợp với các địa phương để bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, các bến đò ngang để bảo vệ dân; nghiêm cấm các chủ đò, phương tiện vận tải không đảm bảo an toàn hoạt động trong khi mưa lũ. Ngày 8/10, huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động cho học sinh trên địa bàn nghỉ học". Ông Bình khẳng định.
Nhiều đoạn đường ngập sâu, chính quyền địa phương đã dựng rào chắn cảnh báo
Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại Phong Điền vào sáng 8/10, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà yêu cầu UBND huyện Phong Điền tiếp tục chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, di dời những hộ dân ở vùng nguy cơ ngập lụt lên vùng cao, đảm bảo an toàn tính mạng về người. Các địa phương phải giúp dân di dời tài sản lên chỗ cao, nhà kiên cố. Đối với diện tích rau màu, vận động bà con thu hoạch sớm, tránh thiệt hại. Các xã phân công người phụ trách các thôn nhắc nhở người dân không được chủ quan trước tình hình mưa lũ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà yêu cầu huyện phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, ứng trực bão lụt 24/24 giờ; tích trữ thêm lương thực, thực phẩm để hỗ trợ cho bà con nhân dân khi có lũ lớn xảy ra. Hoãn tất cả các buổi hội nghị, họp để ưu tiên cho công tác phòng chống mưa lũ.
Thị sát công tác tìm kiếm người mất tích tại Bàu Sen (Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền), Phó Bí thư Thương trực Tỉnh ủy động viên, chia sẻ với gia đình có người mất tích trong mưa lũ; đồng thời yêu cầu huyện tăng cường phương tiện, lực lương công an, quân đội để tiếp tục tìm kiếm người mất tích và có hỗ trợ ban đầu cho gia đình. Yêu cầu huyện chỉ đạo lực lượng công an giải tán những người đứng xem, không có nhiệm vụ trong công tác tìm kiếm, tránh gây hậu quả kép về người.
Hải Huế (thực hiện)