|
Người dân gia cố các tuyến đê để phòng chống bão lũ |
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, xã Phong Bình đã chuẩn bị nhân lực, vật lực phòng, chống cơn bão số 10. Theo đó, lực lượng xã đã được huy động 100% để ứng cứu người dân khi có sự cố. Trong đó, lực lượng cơ động của xã đã và đang túc trực 24/24 để ứng phó với tình hình diễn biến xấu nhất có thể xảy ra. Đến nay, các diện tích lúa và rau màu đã được người dân thu hoạch hết, không để bão lụt gây thiệt hại.
Theo ghi nhận, các địa phương như Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương đều đã đề ra phương án phòng chống bão lũ từ nhiều ngày trước, có phương án di dời các hộ có nguy cơ ảnh hưởng bão lũ lên các hộ gia đình có nhà tầng, đảm bảo trong suốt quá trình xảy ra bão lũ. Tại các xã Phong Hòa, Phong Chương, vùng tránh bão lũ cũng được triển khai để kịp thời di dời người dân khi bão lũ xảy ra như: các cơ sở trường học cao tầng, các độn cát và các hộ gia đình lân cận…
Huyện Phong Điền đã chuẩn bị lượng gạo dự trữ là 15.770 kg và đã mua thêm 15.730kg, 1.058 kg mì tôm. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng đã dự trữ 22.500kg; 3.789kg mì tôm; dầu hỏa 840 lít; dầu diezen 1.480 lít, xăng 430 lít, đèn pin 634 cây, nước suối 856 bịch…Lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng khi có thiên tai, bão lụt xảy ra từ được các xã chuẩn bị từ 7-10 ngày.
Huyện cũng đã lên phương án di dời 3.395 hộ/10.364 khẩu. Trong đó, số hộ, khẩu cần di dời để đối phó với lũ lụt: 1.924 hộ/6.257 khẩu, số hộ, khẩu cần di dời để đối phó với bão: 3.029 hộ/9.321 khẩu, số hộ, khẩu cần di dời để đối phó với lũ quét, sạt lỡ đất: 847 hộ/3.066 khẩu.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan UBND các xã, thị trấn về công tác phòng, chống cơn bão số 10. Có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động của các ghe thuyền. Hiện toàn huyện có 98 thuyền máy hoạt động trên biển, 396 thuyền máy hoạt động trên sông, đầm phá. Tổ chức hướng dẫn cho ngư dân trong việc neo đậu tàu thuyền an toàn, tránh va đập khi có bão xảy ra tại các điểm neo đậu. Công tác thu hoạch sắn chạy lũ và bảo vệ diện tích thủy sản còn lại. Trong đó, diện tích sắn chạy lũ đã thu hoạch 193/623 ha (toàn bộ diện tích sắn trên địa bàn huyện hơn 1800 ha). Diện tích thủy sản còn lại: Tôm: 116,3 ha; cá ao: 182,8 ha; cá lồng 215 ha.
Hiện tại trên địa bàn huyện có các công trình đê Hói Tôm, thủy điện Rào Trăng 4, đê Phá Tam Giang và một số trạm bơm, đê, hói đang thi công dở dang. UBND huyện đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công các công trình xây dựng cơ bản đang dang dở có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, đảm bảo an toàn về người, thiết bị vật tư thi công và các phương tiện tham gia trong tình huống mưa lớn xảy ra gây ngập úng.
Tin, ảnh: Hải Huế