Lúc này, cơ quan Tuyên huấn Thành ủy được tăng cường cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên. Ngày và đêm cuối năm, cả cơ quan rất bận rộn cho việc viết và in ấn truyền đơn, hiệu triệu Báo Cờ Giải Phóng ở Nhà in Sông Hương. Anh Nguyễn Đính chân khập khiễng sáng tác Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành Cương lĩnh diễn ca lục bát để in ấn và dễ dàng phổ biến cho quần chúng.
Đêm 30 Tết, xuất phát từ cửa rừng dốc Dẽ (Hương Trà), anh Trần Anh Liên, Phó Bí thư Thành ủy Huế, Chủ nhiệm Báo Cờ Giải Phóng hành quân ra khỏi cửa rừng và tuyên bố kết nạp Đảng cho chị Lê Thị Mai, người chép tin đọc chậm trên đài của Báo Cờ Giải Phóng. Cùng xuất phát với đoàn Báo Cờ Giải Phóng có anh Ngô Kha – người làm chức năng như Thư ký Tòa soạn. Các nhà báo Doãn Yến, Nghiêm Sĩ Thái, Văn Thái, Lê Minh Trường, Ái Phương (quê ở Quảng Nam), Trần Duy Lan cũng xốc ba lô theo đoàn quân về Huế.
Tin, bài của Báo Cờ Giải Phóng lúc này rất phong phú. Số lượng in ấn tăng gấp ba, bốn lần. Báo không những đưa tin chiến thắng quân sự, đưa tin bà con TP.Huế nổi dậy giành chính quyền, mà trên mặt báo còn đưa tin các buổi trình diễn văn nghệ của Đoàn văn công Trị Thiên. Anh Trần Hoàn lúc này đảm nhiệm viết xã luận cho Báo Cờ Giải Phóng. Có bài có tác dụng thiết thực như bài Huế bảo vệ thành quả cách mạng, tạo thời cơ và điều kiện cho các thành phố khác, chiến trường khác. Đặc biệt, lúc này bà Nguyễn Đình Chi vừa thoát ly tham gia cách mạng đã làm bài thơ tứ tuyệt và xuất hiện ngay trên trang nhất Báo Cờ Giải Phóng:
Sáu mươi năm nay mới gặp xuân
Nguyện đền cho trọn nghĩa làm dân
Xuân này hơn hẳn xuân qua nhỉ
Núi Ngự, sông Hương đẹp bội phần…
Trên mặt báo cũng xuất hiện những hàng tít đậm đưa tin Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Trụ trì chùa Thiên Mụ; cụ Nguyễn Đóa, nguyên là chức quan Tuần phủ và nhiều nhân sĩ trí thức Huế tham gia hoạt động cách mạng. Báo còn đưa tin đậm nét về sự ra đời của Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và hòa bình.
Bài báo khai bút của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường khi mới lên chiến khu Trường Sơn viết cho Báo Cờ Giải Phóng: “Huế ngoài phố - Huế trong lòng”. Anh Tường đã phân tích đúng hiện tượng bên ngoài của TP.Huế đang bị địch tạm chiếm và bản chất tốt đẹp của người Huế bộc lộ rõ rệt khi nổi dậy giành chính quyền trong Xuân Mậu Thân 1968.
Thời gian đó, tại Báo Cờ Giải Phóng, truyền đơn, hiệu triệu tăng tê ra. Cứ sau một ngày đêm là anh Hồ An, Cu Tin gửi cả bao tải về La Chữ để trung chuyển vào Huế. Tôi còn nhớ có số Báo Cờ Giải Phóng đã in ấn xong với tiêu đề kỷ niệm ngày lễ lớn. Chủ nhiệm báo Trần Anh Liên bắt buộc phải sửa lại là số báo đặc biệt. Chúng tôi phải in hai chữ đặc biệt dán đè lên hai chữ kỷ niệm.
Mùa Xuân 1968, cơ quan Tuyên huấn Thành ủy trong đó có Báo Cờ Giải phóng, Nhà in Sông Hương, lại có thêm tờ “Cứu lấy quê hương” của Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa Bình do anh Nguyễn Khoa Điềm phụ trách và tờ “Vùng lên” của Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên TP. Huế.
Nhà báo Ái Phương, anh Võ Văn Linh đưa báo về Huế và đã ngã xuống trên chiến trường. Nhưng Báo Cờ Giải Phóng lại có thêm những nhà báo mới như anh Nguyễn Văn Mễ với bút hiệu Trọng Châu, anh Trần Thân Mỹ, Trần Văn Úc với bút hiệu Châu Đại Dương. Lúc đó, cán bộ Ban Tuyên huấn Thành ủy cũng là người viết tin bài cho Báo Cờ Giải Phóng, Cứu lấy quê hương, Vùng lên...
Nguyễn Lê Huy