Phú Lộc chú trọng phát triển lực lượng dân quân biển trong các chi hội nghề cá, các tổ tàu thuyền liên kết trên biển
Đang tham gia các khoa mục trong đợt huấn luyện DQB, anh Trần Quang Huy, Trung đội trưởng Trung đội DQB xã Vinh Hiền cho biết: Định kỳ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Lộc phối hợp tổ chức huấn luyện cho lực lượng DQB chúng tôi các phương pháp cơ bản về ném dây, quăng phao, lái thuyền tiếp cận mục tiêu trong tình huống luồng lạch chật hẹp, sóng to gió lớn... để chúng tôi thuần thục tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đồng thời, đơn vị phối hợp tổ chức diễn tập huy động phương tiện tàu thuyền làm nhiệm vụ đấu tranh trên biển để ngư dân chủ động các phương án.
Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Tam, địa phương hiện có gần 20 tàu đánh bắt xa bờ với công suất lớn. Qua công tác vận động, xã đã thành lập được tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển với sự tham gia của tất cả các phương tiện tàu thuyền. Nhờ vậy, địa phương đã thành lập được 1 trung đội dân quân biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới biển.
Lộc Trì cũng là địa phương có đội tàu lớn thứ 2 toàn tỉnh. Hiện toàn xã có hàng trăm phương tiện tàu thuyền, trong đó có gần 80 tàu có công suất từ 800CV trở lên, chuyên hoạt động đánh bắt xa bờ và làm dịch vụ hậu cần nghề cá tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Đội tàu này thu hút hơn 500 lao động làm việc thường xuyên trên tàu.
Nhằm đáp ứng đòi hỏi về phát triển lực lượng DQB trên các phương tiện tàu thuyền, Ban CHQS huyện Phú Lộc phối hợp cùng Ban CHQS xã Lộc Trì phân công cán bộ về cơ sở hỗ trợ xây dựng các chi hội nghề cá, các tổ tàu thuyền liên kết trên biển. Cán bộ, chiến sĩ tích cực bám địa bàn phân tích vận động cho ngư dân hiểu rõ về chi hội nghề cá, tổ tàu thuyền liên kết là một tổ chức nghề nghiệp, có các quy ước, quy chế gắn bó trên cơ sở pháp lý, có trách nhiệm cao giữa các thành viên, trực tiếp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân làm ăn trên biển. Đồng thời, các thành viên giúp đỡ lẫn nhau trong khai thác đánh bắt thủy, hải sản, trao đổi thông tin ngư trường, kinh nghiệm sản xuất, làm ăn, phòng, chống thiên tai, bão lụt và tìm kiếm cứu nạn trên biển...
Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Lộc chia sẻ: Thấy rõ tầm quan trọng của lực lượng DQB trong việc gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo an ninh trật tự vùng biển đảo, Ban CHQS huyện đã đi sâu nắm tình hình, chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo xây dựng lực lượng DQB để ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhờ công tác tuyên truyền định hướng tốt, ngư dân ven biển trên địa bàn huyện hiểu rõ lợi ích thiết thực của việc tham gia chi hội nghề cá, các tổ tàu thuyền liên kết, nhiều tàu thuyền đã hưởng ứng, tự nguyện gia nhập. Qua đó, Ban CHQS huyện đã xây dựng, phát triển lực lượng dân quân trong các chi hội nghề cá, các tổ tàu thuyền liên kết thành các trung đội DQB, huy động tham gia diễn tập đấu tranh trên biển, thông tin liên lạc với các đơn vị biên phòng, các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý, giải quyết khi có các tình huống nảy sinh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển.
Theo Thiếu tá Lê Đức, để lực lượng DQB thực hiện tốt nhiệm vụ, ngoài huấn luyện theo kế hoạch được phê duyệt, đơn vị tăng cường bổ sung thêm thời gian, thời lượng huấn luyện chuyên ngành về công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Đặc biệt, tập trung huấn luyện về thao tác sử dụng các loại phương tiện, tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao thể lực bằng cách tích cực luyện tập bơi lội… qua đó góp phần nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng DQB trên địa bàn.
Bài, ảnh: Bá Trí