ClockThứ Tư, 20/11/2013 15:00

“Cõng” chữ lên non

TTH - “Lên vùng cao A Lưới dạy học rất nhiều gian khổ, nhưng nam giới làm được, chúng tôi cũng làm được” - nhiều nhà giáo nữ đã chia sẻ về những năm tháng miệt mài “gieo” chữ cho học trò vùng cao.

Như người mẹ thứ hai

Năm 1982, cầm quyết định phân công lên dạy học tại Trường THCS Sơn Thủy, cô giáo trẻ Trần Thị Lệ (hiện là Hiệu trưởng trường THCS Trần Hưng Đạo) không khỏi “run run”. Rất nhiều khó khăn thiếu thốn, đường sá xa xôi, hiểm trở, nên thời gian đó rất ít nữ giáo viên dạy học ở A Lưới. Lòng ngổn ngang đắn đo ngần ngại, nhưng nghĩ nam giới làm được, tại sao mình lại không? Chị Lệ quyết định “trèo non”, đưa con chữ đến với những học trò còn chịu nhiều thiệt thòi. “Lúc đó, mái trường là tranh tre, nứa lá. Học trò ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Mỗi khi nhìn những gương mặt lem luốc, mái tóc rối bù, nhưng đôi mắt hồn nhiên, trong trẻo, lòng tôi dấy lên nỗi xúc động của tình mẫu tử”.

Cứ như vậy, vừa dạy chữ, cô giáo trẻ chưa lập gia đình ngày ngày tỉ mẫn chăm sóc học trò bé nhỏ bằng tấm lòng người mẹ. Rửa mặt, chải đầu, tết tóc cho học sinh nữ, khâu lại cúc áo cho học sinh nam hiếu động. Cha mẹ các em phần bận “bám” nương rẫy kiếm sống, phần chưa thực sự chú ý đến việc học và những ước muốn của tuổi thơ. Vậy nên, sự chăm sóc, gần gũi của cô giáo, những lời thủ thỉ tâm tình của cô về việc học, việc chơi, gieo vào tâm hồn học trò tình cảm quấn quýt, tin cậy. Đến bây giờ, đã 31 năm trôi qua, nhưng chị Lệ vẫn không quên những lần có cô cậu học trò nào sắp phải nghỉ học, cô giáo lại tìm tới tận nhà trong làng bản xa xôi, kiên nhẫn giải thích, động viên cha mẹ, động viên các em trở lại với con chữ. “Chúng tôi thương các em như con. Vậy nên, các em cũng coi cô giáo như người mẹ thứ hai. Chính tình cảm này đã “níu” tôi ở lại với A Lưới.

Sự nghiệp “lên non” truyền đạt kiến thức và gieo yêu thương cho học trò vùng cao của nữ nhà giáo Trần Thị Lệ cũng chính là trải nghiệm của nhà giáo Phan Thị Linh (hiện là Phó Hiệu trưởng THCS&DTNT A Lưới). Chân ướt chân ráo từ miền xuôi lên miền ngược, ngôi trường đầu tiên cô giáo Linh đến nằm trên địa bàn xã A Ngo. “Khi tôi mới lên nhận nhiệm vụ, chỗ ăn ở chưa có, phải ở trọ, phương tiện đi lại cũng chưa có, khó khăn trăm bề. Nhưng thấy học trò của mình còn quá bé nhỏ mà phải chịu biết bao thiếu thốn, thiệt thòi, lòng thương các em vô hạn”. Để gần gũi với học trò hơn, chị Linh kiên nhẫn học tiếng địa phương. Hiện nay, cô giáo Linh đang ở cương vị quản lý. Tình yêu thương, chăm lo và trách nhiệm dành cho học trò của cô càng “nặng” hơn. Vì quản lý học sinh nội trú, nên từ sáng sớm cô giáo Linh đã có mặt, “bám sát” các em từ việc tập thể dục. “Sát sao” bên cạnh học trò, lo lắng cho các em, nên hầu như ngày nào 9, 10 giờ đêm “mẹ” Linh mới về nhà.   

Đền đáp

Cách đây 13 năm, khi mới lên nhận nhiệm vụ dạy học tại A Lưới, nhà giáo Đàm Thị Hoa (nay là Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới) phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhà trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, trình độ học sinh không đồng đều, đồng lương dành cho giáo viên còn ít ỏi… Nữ nhà giáo Trịnh Ngọc Tiến (nay là Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hồng Vân) không quên những ngày đầu đến dạy học tại A Lưới: “Những giáo viên ở nội trú không có nước để sinh hoạt, phải đi chở nước xin từ nhà dân về dùng. Có người không ở nội trú thì phải vượt quãng đường cả đi lẫn về 30, 40 cây số để đến trường”. Tuy nhiên, những khó khăn đó vẫn không ngăn được “lửa” nghề và tình yêu thương học trò. Cô giáo Đàm Thị Hoa thường xuyên đăng ký dự giờ, thao giảng để tiếp nhận ý kiến của đồng nghiệp. Đối với học trò người dân tộc thiểu số, môn Vật lý là môn học “lạ lẫm”, các em tiếp thu chậm. Không nản lòng, cô Hoa suy nghĩ để sáng chế ra nhiều đồ dùng dạy học, tuy đơn giản nhưng thiết thực và ấn tượng, giúp học trò dễ hiểu hơn khi tiếp thu môn học. Còn cô Tiến cùng những đồng nghiệp khác dành tất cả mọi thời gian có thể tự nguyện dạy lại kiến thức còn “trống” cho học sinh, từ đọc, viết đến cộng, trừ, nhân, chia… để các em tiếp thu kiến thức mới có hiệu quả.

“Cõng” chữ lên non, cần mẫn, tận tụy truyền đạt kiến thức cho học trò của những nữ nhà giáo đã được đền đáp xứng đáng. Đó chính là sự ghi nhận của địa phương, ghi nhận của đồng nghiệp, của lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Quá trình phấn đấu và cống hiến, họ được tin tưởng giao những vị trí, trọng trách quan trọng và nhiều phần thưởng xứng đáng khác. Tuy nhiên, phần thưởng và sự đền đáp lớn nhất đối với nhà giáo Trần Thị Lệ, Phan Thị Linh, Đàm Thị Hoa, Trịnh Ngọc Tiến và tất cả nữ nhà giáo đã và đang “trồng người” tại A Lưới, chính là sự trưởng thành, tự tin bước ra cuộc đời của học trò vùng cao, đi khắp mọi miền đất nước. Nhiều học trò của các chị trở về công tác trong những cơ quan Nhà nước, là lãnh đạo địa phương. Có học trò trở thành đồng nghiệp của cô giáo mình.

Những “cây” non năm nào được vun xới, uốn nắn trưởng thành, sống cuộc đời tử tế, là hạnh phúc và sự đền đáp lớn nhất đối với những cô giáo đã yêu thương, chăm sóc học trò, bằng tấm lòng người mẹ. 

Phạm Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội...

Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Return to top