Đi chợ bằng giỏ nhựa đã trở thành thói quen của nhiều hội viên phụ nữ
Nhiều cách làm hay
Xách giỏ đi chợ, mua đồ ăn sáng bằng cặp lồng, sử dụng hộp nhựa đựng thực phẩm tươi sống, gói rau, củ, quả bằng giấy báo…là thói quen từ 2 năm nay của chị Nguyễn Thị Thắm, tổ 17, phường Trường An, TP Huế. “Với cách làm này, có ngày đi chợ tôi không sử dụng một túi ni lông nào, vì vậy lượng rác trong gia đình giảm đi trông thấy”, chị Thắm cho biết.
Theo lời của nhiều bà nội trợ ở phường Trường An, trước đây, nhiều chị có thói quen sử dụng túi ni lông khi đi chợ. Một ngày, có gia đình sử dụng trên 10 chiếc túi ni lông. Thế nhưng, vài năm gần đây, từ khi Hội LHPN phường phát động phong trào “Dùng giỏ nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông”, thói quen của nhiều gia đình dần thay đổi. Ban đầu, nhiều người cảm thấy bất tiện nên chưa mặn mà với việc mang theo giỏ nhựa mỗi lần đi chợ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhận thấy ưu điểm của vật dụng này như: hạn chế túi ni lông, gọn gàng, tránh rơi hoặc quên đồ, các chị đã nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, trong mỗi buổi chợ, hình ảnh những chiếc giỏ nhựa đã dần trở nên quen thuộc.
Theo chị Đinh Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Trường An, Hội đã vận động nhiều phụ nữ không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày, phát hàng trăm giỏ nhựa và túi thân thiện với môi trường cho hội viên. “Mô hình này tuy không thể xóa bỏ hoàn toàn túi ni lông, song góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường”, chị Hương khẳng định.
Tùy vào đặc điểm tình hình địa phương, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường. Tuy mới thực hiện thí điểm được hơn nửa năm, nhưng mô hình “Tiết kiệm xanh” của Hội LHPN thị xã Hương Thủy đã mang lại hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Thủy cho biết, xuất phát từ thực tế, hộ gia đình nào cũng có phế liệu như túi ni lông, vỏ nhựa, chai lọ… sau khi sử dụng, chúng bị vứt bừa bãi, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, Hội LHPN thị xã đã linh hoạt thành lập mô hình “Tiết kiệm xanh”, vận động hội viên phân loại rác thải ngay tại gia đình, sau đó quyên góp để gây quỹ giúp đỡ hội viên nghèo. Từ đó, không chỉ xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên mà hỗ trợ động viên kịp thời nhiều chị không may gặp hoạn nạn trong cuộc sống. Riêng tại xã điểm Thủy Tân, sau 6 tháng triển khai đã thu được trên 11 triệu đồng từ mô hình “Tiết kiệm xanh”. Mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn thị xã.
Quan trọng là ý thức
Để thu hút phụ nữ tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, truyền thông bằng các việc làm cụ thể, như: phân tích tác hại của ô nhiễm môi trường, hậu quả biến đổi khí hậu, phát động phong trào “Phụ nữ Thừa Thiên Huế với công tác bảo vệ môi trường”; ra quân vệ sinh môi trường tại địa bàn khu dân cư, tích cực hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày Môi trường thế giới”... Từ đó, vận động hội viên và người dân từng bước thay đổi hành vi, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường sống, có ý thức sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững.
Đến nay, có trên 10 mô hình phụ nữ tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường có hiệu quả. 100% cơ sở Hội đảm nhận xây dựng ngõ phố văn minh, con đường xanh, sạch, đẹp.
|
Chị Lâm Thị Thu Hằng, phường Thuận Hòa, TP Huế cho biết, từ khi được Hội tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, chị luôn tự giác thực hiện nếp sống văn minh, sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và vận động người thân trong gia đình, hàng xóm sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe...
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: “Với nỗ lực của các cấp Hội, thời gian qua, các hội viên phụ nữ đã góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Thời gian tới, Hội chỉ đạo Hội LHPN các cấp tiếp tục triển khai cách làm hay, có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời biểu dương, nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả để xây dựng thói quen bảo vệ môi trường trong từng hội viên”.
Bài, ảnh: Hải Thuận