Nữ công nhân lao động làm việc tại Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yên tâm sản xuất
Con trai chị Nguyễn Thị Trang, công nhân Khu Công nghiệp Phú Bài gần 5 tuổi, nhưng chị Trang mới nhận chế độ thai sản cách đây mấy tháng. Chị Trang cho biết, sau khi sinh chị đi làm thủ tục nhận chế độ thai sản nhưng không được bảo hiểm thanh toán. Nguyên nhân, do công ty chị còn nợ bảo hiểm xã hội. Nhiều lần ý kiến lên ban giám đốc công ty, song chị Trang cũng không được giải quyết.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chị Trang tìm đến Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đề đạt nguyện vọng. Nhận được kiến nghị của đoàn viên, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã đồng hành, giúp chị Trang gỡ dần những nút thắt. Nhờ vậy, công ty nơi chị Trang làm việc đã giải quyết vướng mắc với bảo hiểm xã hội, để chị Trang nhận được chế độ thai sản theo quy định. “Không chỉ tôi, những công nhân khác chưa được nhận chế độ thai sản cũng được công ty tìm cách giải quyết”, chị Trang cho biết.
Niềm vui có ngôi nhà kiên cố hiện rõ trên gương mặt chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên Công ty TNHH Laguna (Lăng Cô, Phú Lộc). Hoàn cảnh chị khó khăn, cả gia đình 6 nhân khẩu đều trông chờ vào đồng lương công nhân của chị. Từ nhiều năm nay, gia đình chị tá túc trong ngôi nhà dựng tạm từ những tấm tôn cũ. Khi được Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng “Mái ấm công đoàn”, chị Liên vay mượn thêm để ngôi nhà được hoàn thiện. “Đêm đêm, nhìn các con an yên đi vào giấc ngủ trong ngôi nhà kiên cố, tôi biết ơn tấm lòng của các cán bộ công đoàn”, chị Liên bộc bạch.
Nhờ được ban chấp hành, ban nữ công quần chúng các CĐCS tận tâm, cuộc sống của chị Lê Thị Thanh T, đoàn viên CĐCS Công ty TNHH Takson Huế đã êm ấm, hòa thuận hơn. Trước đây, chị T. thường bị chồng hành hung sau khi uống rượu. Nhiều lần chị bị thương tích. Song do chồng đe dọa cộng với tâm lý e ngại, sợ “vạch áo cho người xem lưng”, chị T. im lặng chịu đựng. Biết được hoàn cảnh thương tâm của chị T., ban chấp hành, ban nữ công quần chúng CĐCS đã tìm cách giúp đỡ. Các chị tìm cách chia sẻ, khéo léo gặp gỡ chồng chị T., phân tích hành động sai trái, kiên trì thuyết phục anh thay đổi, mặt khác hỗ trợ giúp đỡ chị T. trong công việc cũng như trang bị kỹ năng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chị Vũ Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Takson Huế cho biết, hiện công ty có gần 700 lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 87%. Để đồng hành cùng nữ công nhân lao động, Ban nữ công quần chúng Công ty TNHH Takson Huế luôn bám sát nhu cầu thực tại của nữ công nhân. Chẳng hạn, chia sẻ kỹ năng cần thiết để dung hòa cuộc sống trong bối cảnh hiện tại, giúp nữ lao động biết cân bằng cảm xúc, vượt qua áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Theo bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, trên địa bàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh có 15.909 nữ CNLĐ/24.347 CNLĐ, chiếm tỷ lệ 65,3%, trong đó có 14.425 nữ đoàn viên/21.066 đoàn viên công đoàn, chiếm tỷ lệ 68,5% tổng số đoàn viên.
Đa số tuổi đời của nữ CNLĐ khá trẻ, từ 18 đến 35 tuổi. Đồng hành cùng nữ công nhân lao động, Ban Nữ công quần chúng Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh triển khai, hướng dẫn thành lập CLB “Sức khỏe sinh sản và Pháp luật lao động” tại công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được trang bị, hỗ trợ, tư vấn kiến thức pháp luật lao động liên quan trực tiếp đến CNLĐ, như tiền lương, tiền thưởng, chế độ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, bình đẳng giới... Ngoài ra, thông qua chương trình “Điều ước đoàn viên”, “Mái ấm công đoàn”, “Căng tin đoàn viên”, “Tủ kem công đoàn”, các cấp công đoàn cũng kịp thời hỗ trợ, giúp nữ công nhân lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Bài, ảnh: Hải Thuận