ClockThứ Năm, 11/05/2023 06:00

Khơi dậy khát vọng vượt lên chính mình

TTH - Cần biết khơi dậy khát vọng vượt lên chính mình của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). Đó được xem là cách làm phụ vận tâm huyết từ huyện vùng cao Nam Đông.

Đam mê chưa bao giờ là muộnViệc làm cho phụ nữ vùng caoKhi chị em làm kinh tế

leftcenterrightdel
Sản phẩm của phụ nữ Nam Đông trưng bày tại các gian hàng 

1. Gần 1 năm trôi qua, tôi cứ nhớ mãi chiều muộn hôm ấy, vùng cao Thượng Long (Nam Đông) yên ắng lạ. Được tin báo chúng tôi ghé thăm, chị Ka Nô - Tổ trưởng tổ “Đổi ngày công lao động” ở thôn 8 rủ thêm mấy chị em trong tổ cùng sẵn sàng đón khách. Từ cái nhìn ban đầu, khách chủ gặp nhau đã thấy quen thân. Ấm nước chè xanh mời khách chưa kịp uống, đã thấy cả một rổ mía ngon lành chờ sẵn. Đồng bào DTTS vùng cao là thế, tình cảm và chân chất! Chị Ka Nô nói, rồi cả nhóm cùng chia sẻ và góp ý thêm thật rôm rả.

Làm rẫy, trồng lúa, thu hoạch keo trồng… bao nhiêu công việc cần tới sức lao động. Vào mùa vụ, mọi người tất bật và khẩn trương nhưng từng gia đình Cơ Tu ở vùng núi khó khăn này đâu dễ sẵn có tiền mặt để thuê mướn nhân công. Vậy là tổ đổi công này ra đời, thấm thoát cũng đã hơn 3 năm.

Chị Ka Nô cho hay, tổ tập hợp được 23/89 hội viên phụ nữ cùng giúp nhau công việc đồng áng và đứng ra nhận công việc của các gia đình. Tôi nhớ, cuốn sổ chấm công mà chị Ka Nô cho xem, ghi chép rõ ràng: 2/7 - gặt lúa cho nhà bà Bần (5 công), ngày 5/8 - thu hoạch keo cho nhà bà Chín (7 công)… Chị bảo, tiền công lao động được thu rất rẻ so với giá thị trường, cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày công. Người lao động chỉ nhận 5.000 đồng gọi là để ăn sáng, còn lại góp vô quỹ hội.

leftcenterrightdel
Giúp nhau gặt lúa 

Hơn 3 năm qua, tiền quỹ lên tới hàng chục triệu đồng. Một phần để cho chị em trong tổ vay (5 triệu đồng/suất) mua con giống, phát triển chăn nuôi với lãi suất thấp. Đã có hàng chục người được vay và rồi ai cũng được vay hết. Thu nhập từ gây quỹ còn dùng để giúp đỡ cho những trường hợp ốm đau và gặp khó khăn với mức 200.000 đồng/người. Rồi nữa là tổ chức tham quan. Bàn về chuyện này, cả nhóm đều hớn hở và phấn khởi lắm…

Bà Trần Thị Lụt, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Long khoe: Tổ “Đổi ngày công lao động” của thôn 8 ra đời là kết quả vận động của cấp hội phụ nữ. Riêng xã Thượng Long có 4 tổ. Tổ “Đổi ngày công lao động” cũng được thành lập nhiều xã vùng DTTS trong huyện, như Thượng Lộ, Hương Hữu…

2. Huyện Nam Đông có gần 50% dân số là người DTTS, chủ yếu là người Cơ Tu. Bà con chủ yếu sinh sống ở vùng xa, vùng núi cao với công việc chính là chăn nuôi, làm nương rẫy, trồng rừng, cây ăn trái, cao su... Các công việc này được làm theo mùa vụ, không ổn định. Nhiều hạn chế về tập tục xưa cũ nên cho dù cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều nhưng bà con cơ bản vẫn là đối tượng yếu thế, thiệt thòi về điều kiện sống, kỹ năng làm ăn và cả khát vọng vươn lên. Họ rất cần được sự giúp đỡ từ nhiều phía. Nhớ trong những lần gặp gỡ, bà Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông trăn trở.

leftcenterrightdel
Hỗ trợ ngày công giúp nhau làm kinh tế 

Chuyện trò với bà Loan, điều tôi cảm nhận là cấp hội phụ nữ luôn là người đồng hành. Những dự án hay phong trào phụ nữ vùng DTTS thường bắt đầu từ những vấn đề rất thiết thực và cũng rất “tế nhị”. Ví như, chuyện quản lý tài chính gia đình. Nó không quá lớn ở miền xuôi, nhưng lại là vấn đề đặt ra đối với các “nội tướng” của gia đình DTTS. Không chỉ đứng ra mở lớp, cấp hội phụ nữ còn kiêm luôn việc vận động chị em tham gia lớp tập huấn “Quản lý tài chính hộ gia đình”. Để rồi, sau khi tham gia, một phụ nữ DTTS ở xã Thượng Quảng hồ hởi chia sẻ, rằng giờ chị mới biết cách quản lý tiền, lợi ích của việc tiết kiệm là cần thiết vô cùng và dù còn rất trẻ nhưng cũng phải có kế hoạch về tiền bạc để lo cho tuổi già. Lâu nay, do làm được đồng nào cứ tiêu xài hết đồng nấy nên nghèo mãi cũng đúng thôi.

Điểm lại các hoạt động phụ nữ trên địa bàn hướng tới phụ nữ DTTS, từ các  phong trào kinh tế như khởi nghiệp, xây dựng mô hình liên kết, xóa đói giảm nghèo… hay các vấn đề xã hội như “Mái ấm tình thương”, bảo vệ môi trường… đến các phong trào chung như phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, mới thấy thấm thía về tính toàn diện và những hiệu quả mang lại. Đáng nói, các cấp hội phụ nữ ở Nam Đông luôn biết cách xây dựng mô hình hay, điển hình giỏi như một cách vận động và lan tỏa đến với cộng đồng.

Nhiều người đều rõ, trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Bông thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư xóa đói giảm nghèo. Cảm nhận được khát vọng vượt khó của chị, hội phụ nữ cơ sở đã vận động chị tham gia các lớp tập huấn và tạo điều kiện hỗ trợ vốn làm ăn. Đầu tiên là chăn nuôi, sau đó mở rộng trồng rừng và buôn bán tạp hóa. Chị Bông chăm chỉ học tập rồi cần mẫn áp dụng vào thực tế bằng nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện, gia đình chị có 15ha cao su và keo tràm, mô hình chăn nuôi tổng hợp và cửa hàng kinh doanh. Thu nhập ước tính gần 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

Bà Hồ Thị Xong, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Quảng gọi cửa hàng kinh doanh tổng hợp của chị Bông ở thôn 2 là "siêu thị" của xã, bởi nơi đây luôn có sẵn nhiều mặt hàng. Bà Xong cũng cho rằng, vận động phụ nữ DTTS hiệu quả nhất là bằng những mô hình người thật và việc thật có sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

3. Khó có thể so sánh với phụ nữ miền xuôi về nhiều mặt, nhưng điều dễ dàng nhận thấy ở phụ nữ người DTTS tại Nam Đông là khát vọng hòa nhập và vượt qua chính mình.

Theo bà Trần Thị Sáng, Chủ tịch Hội LHPN Hương Xuân (Nam Đông), địa bàn có cả phụ nữ dân tộc và phụ nữ Kinh sinh sống, vận động phụ nữ DTTS tham gia hoạt động không khó. Ví như họ có rất nhiều rừng, nhưng không biết chi tiêu nên không hiệu quả. Hội vận động họ vào hội, tập huấn trang bị kiến thức và nâng cao kỹ năng lao động, biết quản tiền và chi tiêu hợp lý nên có rất nhiều hộ dân tộc khá lên trông thấy. Vậy là họ thích, hăng hái làm theo và lan tỏa từ người này sang người khác.

Bà Trần Thị Lụt, Chủ tịch LHPN xã Thượng Long cùng chung một suy nghĩ khi tâm sự: Không khó để vận động chị em DTTS tham gia các hoạt động vì ở nơi vùng cao còn nhiều tách biệt, không tham gia vào hội họ sẽ cảm thấy lạc lõng. Thực chất, mỗi lần họp đều đông, các chị được nâng cao nhận thức về trông trọt, chăn nuôi, nuôi dạy con cái; qua đó, trao đổi những vấn đề khó khăn trong gia đình. Cũng theo bà Lụt, để bà con dễ nhớ và dễ hiểu, những chủ trương chính sách của Nhà nước thường được các chị “phiên qua’’ những tập tục của đồng bào để mọi người nhớ lâu.

Lại nghĩ, khi vận động tổ chức mô hình “Đổi ngày công lao động”, bà Hoàng Thị Loan và những người làm phụ vận ở Nam Đông đã nhớ đến tập tục Rơ ving của người Cơ Tu. Chuyện rằng, từ xa xưa người Cơ Tu có truyền thống “Rơ ving”, đổi ngày công lao động của mỗi người cho nhau để tồn tại và phát triển, đó cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để hoàn thành một công việc, tiết kiệm thời gian và công sức của mỗi người. Theo tiếng Cơ Tu, không chỉ là hình thức giúp và trao đổi công cho nhau trong môi trường sống và lao động sản xuất, “Rơ ving” còn là sự gắn kết, đùm bọc thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau được người Cơ Tu gìn giữ từ đời này qua đời khác.

Khơi nguồn và phát huy những giá trị truyền thống và tập tục xa xưa trong vận động phụ nữ DTTS mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ và cách làm trong phát triển kinh tế và sinh hoạt văn hóa, thiết nghĩ phụ vận là cách làm thiết thực nhất có thể cảm nhận được từ Nam Đông hôm nay.

Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Đồng hành cùng chi hội trưởng

Đề xuất tăng phụ cấp cho chi hội trưởng (CHT), đổi mới các phong trào để thu hút hội viên, cùng các CHT nắm bắt tình hình, hoàn cảnh chị em để có cách giúp đỡ hợp lý, kịp thời... là cách mà hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và chính quyền địa phương đồng hành cùng các CHT trong việc xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ trên toàn tỉnh.

Đồng hành cùng chi hội trưởng
Return to top