ClockThứ Năm, 12/09/2024 07:06

Những người mẹ đỡ đầu

TTH - Bên cạnh sự chung tay cùng các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN), nhiều hội viên có kinh tế gia đình khá giả hơn đã sẵn lòng nhận đỡ đầu những trẻ mồ côi, là chỗ dựa cả về tinh thần, vật chất cho các em nhỏ...

Chỗ dựa cho phụ nữ, trẻ emChắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ

 Những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được các hội viên chung tay giúp đỡ

Cùng chị Phan Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Phường Đúc (TP. Huế) ghé thăm nhà cháu Nguyễn Quang Đạt (ở tổ dân phố 3) mới thấy hết tình cảm, sự sẻ chia mà chị dành cho cháu. Đạt mồ côi cha, mẹ đi làm ăn xa, nhưng khó khăn nên cũng chẳng hỗ trợ được gì nhiều. Đạt ở với ông bà nội, nhưng ông bà đã lớn tuổi, ông làm nghề chạy xe thồ bữa được bữa không. Trước hoàn cảnh đó, chị Lan Anh không đắn đo, ngần ngại đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cháu 200 nghìn đồng/tháng từ đầu năm 2023 đến nay để Đạt có thể tiếp tục vững bước đến trường cùng các bạn đồng trang lứa.

“Mẹ Lan Anh còn luôn quan tâm, động viên cháu. Mẹ thường xuyên kết nối các mạnh thường quân để có những suất quà tặng gia đình cháu mỗi dịp lễ, tết, năm học mới. Đó là động lực để cháu không ngừng nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh; chăm học, nghe lời ông bà để không phụ sự yêu thương của mọi người”, Quang Đạt tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Dung nhận hỗ trợ cháu Tống An Giang (tổ dân phố 9) 200 nghìn đồng/tháng từ tháng 8/2020 đến nay. An Giang cũng là đứa trẻ thiếu may mắn khi mồ côi cha từ nhỏ, hiện đang sống với ông bà lớn tuổi, kinh tế gia đình khó khăn. Mẹ Giang đã đi bước nữa, nhưng gia đình mới của mẹ cũng rất khó khăn, chật vật về kinh tế nên không thể nuôi hay hỗ trợ chi phí để ông bà nuôi em. Số tiền 200 nghìn đồng/tháng tuy không nhiều, nhưng đó là tấm lòng, sự sẻ chia và hỗ trợ kịp thời của chị Dung để An Giang không phải bỏ học giữa chừng. Hội LHPN phường cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ vật chất để cháu có thể tiếp tục đi học cùng các bạn.

Còn với chị Hoàng Thị Ái Liên, hội viên Chi hội 1 (Hội LHPN phường Phường Đúc) đã hỗ trợ toàn bộ học phí cho 2 sinh viên thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn phường, với kinh phí hơn 16 triệu đồng/em/năm từ năm 2021 đến khi các em ra trường. Nếu không có sự hỗ trợ của chị Ái Liên, có lẽ em Nguyễn Văn Nam, sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế đã không thể viết tiếp ước mơ trên giảng đường đại học của mình, bởi học phí trong suốt 4 năm đại học là không hề nhỏ đối với gia đình em. "Đối với em, sự giúp đỡ của mẹ Liên không đơn thuần là vật chất, là số tiền đóng học phí hàng năm mà đó chính sự cưu mang, để em có thể có một tương lai tốt hơn. Em sẽ luôn cố gắng học thật tốt, trở thành một công dân có ích để không phụ sự giúp đỡ, yêu thương của mẹ Liên cũng như mọi người", Nam bộc bạch.

Chẳng kể công những việc mình làm, bởi đối với chị Lan Anh, chị Dung, chị Ái Liên... đó là sự sẻ chia khi mình may mắn hơn, có  gia đình vẹn toàn hơn. “Tôi chỉ mong việc mình làm có thể truyền cảm hứng để hội viên nhiệt tình hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, giúp đỡ nhiều hơn nữa những mảnh đời khó khăn, khuyết thiếu tình cảm mẹ cha. Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, chúng tôi luôn chú trọng động viên tinh thần, quan tâm các cháu, nhất là những cháu hiện sống với ông bà đã lớn tuổi để nắm bắt tâm tư, có những định hướng và giúp đỡ các cháu kịp thời”, chị Lan Anh chia sẻ.

Chị Trần Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng, TP. Huế cũng là một người mẹ đỡ đầu cho một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi trên địa bàn phường. “Các cháu mồ côi đã thiệt thòi rồi, các cháu mồ côi mà hoàn cảnh khó khăn lại càng vất vả hơn. Tôi nghĩ mình giúp đỡ được chừng nào tốt chừng đó. Sự giúp đỡ của mình chỉ như một viên gạch, nhưng tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều hội viên, bằng nhiều cách khác nhau, góp nhiều viên gạch để cùng “xây tương lai” cho các cháu”, chị Nga chia sẻ.

Bên cạnh sự hỗ trợ các nhà hảo tâm do các cấp hội phụ nữ kết nối, thông qua các mô hình như: “Ngôi nhà xanh”, “Biến rác thành tiền”..., Hội LHPN cơ sở đã nhận đỡ đầu nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và không ít cá nhân hội viên, cán bộ hội đứng ra nhận đỡ đầu riêng. Đây cũng chính là những “điểm sáng”, những chia sẻ đầy tính nhân văn và là một cách nêu gương hiệu quả để phong trào ngày càng lan tỏa trong các cấp hội phụ nữ và cộng đồng...

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN phát động đã và đang được các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh triển khai, thực hiện; thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức hội. Đến nay, tại Thừa Thiên Huế có hơn 800 em được nhận nguồn hỗ trợ từ các cấp hội phụ nữ, với mức hỗ trợ trung bình từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng/em.


Bài, ảnh: Thảo Vy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành công từ sự nỗ lực

Sau dịch COVID-19, chị Trần Thị Hà (sinh năm 1976, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, Phú Bài, TX. Hương Thủy) thất nghiệp. Cũng đã có tuổi, không việc làm, chị Hà đứng trước vô vàn khó khăn và những mối lo về gánh nặng kinh tế gia đình. Được sự động viên của người thân và sự giúp đỡ của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, chị Hà đã mạnh dạn vay vốn để mở gia trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Thành công từ sự nỗ lực
Có nhiều cách hỗ trợ hội viên

Hội viên (HV) khó khăn mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng bằng sự chia sẻ, thấu hiểu, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phường Đúc đã có nhiều cách hỗ trợ thích hợp để HV ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên.

Có nhiều cách hỗ trợ hội viên
Bù đắp yêu thương

Những em bé khuyết thiếu tình cảm mẹ, cha, cuộc sống càng khó khăn, vất vả…, nhưng từ khi các em có được những người mẹ đỡ đầu là những hội viên phụ nữ địa phương giúp đỡ, đồng hành, con đường trưởng thành của các em sẽ bớt chông chênh. Những yêu thương mà những người mẹ “tập thể”, nhà hảo tâm… mang đến cho các em cũng chính sự ấm áp của tình mẹ, tình thân…

Bù đắp yêu thương

TIN MỚI

Return to top