ClockThứ Hai, 21/01/2013 13:45

Nói không với rác bừa bãi

TTH - Chị Phạm Thị Thanh Sơn, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Lương (thị xã Hương Thủy) tâm sự rằng, một trong những tác nhân gây ra tình trạng vứt rác thải bừa bãi chính là phụ nữ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền vận động chị em “nói không với rác bừa bãi” được hội chú tâm thực hiện.

Vận động phụ nữ nói không với rác bừa bãi

Năm 2010, Thủy Lương vinh dự được lên phường. Trong nhiều nội dung đặt ra đối với một phường mới, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường được Đảng ủy, chính quyền đưa vào chương trình nghị sự. Đúng vào thời điểm ấy, để chuẩn bị cho đại hội phụ nữ các cấp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các cấp hội phụ nữ khảo sát nhu cầu hội viên để đưa vào chương trình công tác hội nhiệm kỳ mới và Hội LHPN Thuỷ Lương được Hội LHPN tỉnh, thị xã chọn làm đơn vị triển khai điểm. Tại 6 điểm khảo sát với sự tham dự của trên 300 hội viên, phụ nữ phường, bên cạnh nhu cầu được tiếp tục vay vốn, trang bị các kiến thức để chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nhiều hội viên, phụ nữ Thủy Lương bức xúc đề nghị phải quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường ở địa phương. Vấn đề làm thế nào để không xẩy ra tình trạng vứt rác thải bừa bãi bỗng nhiên trở thành đề tài “nóng” được cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở và phụ nữ Thủy Lương đưa ra phân tích, mổ xẻ. Cuối cùng các chị cũng nhận ra một điều, bản thân mình là tác nhân chủ yếu của những bao bì rác vứt bừa bãi ở đường làng, ngõ phố.

Đường sá ở Thủy Lương sạch nhiều so với trước đây

Đầu năm 2012, UBND phường Thủy Lương bắt đầu triển khai đề án thu gom rác thải trên địa bàn. Để mọi người dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng quan tâm thực hiện, Hội LHPN phường tập trung chỉ đạo 12 chi hội phụ nữ trên địa bàn tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể như: đi chợ mang theo giỏ, hạn chế sử dụng túi ni lông, phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định...Cũng trong năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI về thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, trong đó có sạch ngõ, Hội LHPN Thủy Lương càng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ vệ sinh môi trường. Hội còn hướng dẫn chị em tiết kiệm mỗi ngày một ngàn đồng nuôi heo đất. Số tiền thu được vừa dùng để chi trả phí môi trường, vừa gây quỹ tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn nhỏ. Qua triển khai điểm ở 4 chi hội, sau khi chi trả phí vệ sinh môi trường, số tiền các hội viên tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng, qua đó các chi hội đã giải quyết cho 10 phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất. Đáng ghi nhận, để góp phần giải quyết việc làm cho một số hội viên phụ nữ nghèo, Hội LHPN Thủy Lương chủ động đề xuất và được UBND phường đồng ý tạo điều kiện cho 3 chị làm công tác thu gom rác trên địa bàn, thu nhập mỗi chị 1,5 triệu đồng/tháng. 

Tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động

Nhờ triển khai đề án thu gom rác thải nên bây giờ đường sá ở Thủy Lương khá sạch sẽ. Chị Phạm Thị Hát, chủ một quán nhỏ trên đường Thuận Hoá (con đường trung tâm của phường Thủy Lương) nói rằng: “Trước đây, khi chưa có hệ thống thu gom rác, chúng tôi chủ yếu đem rác phơi ở những vạt cỏ ven đường, khi nào khô thì đốt. Bây giờ có hệ thống thu gom rác nên đường sá mới thường xuyên sạch sẽ như thế này. Hơn nữa cán bộ phụ nữ cũng thường xuyên đến nhà, đến các quán để tuyên truyền vận động nên chúng tôi nghiêm túc chấp hành”. Tất nhiên trong câu chuyện, chị Hát cũng có những tâm tư khi phí thu gom rác không thu hàng tháng, hàng quý mà để nhiều tháng thu một lần, gây khó cho người dân. Trong quá trình thu gom vẫn còn một vài chuyện chưa hợp lý. Nhiều người dân Thủy Lương kể thêm, trước đây, nhiều nhà vườn rộng có thể đào hố, xử lý rác tại vườn, nhưng không ít nhà đất không có, không biết xử lý rác như thế nào, tối tối đành lặng lẽ vứt ra đường. Chợ Lương Văn trên địa bàn phường trước kia cũng ngột ngạt vì rác, nhưng tình hình hiện đã cải thiện rất nhiều.

Đường sá, môi trường ở Thủy Lương sạch sẽ hơn chính là nhờ sự quan tâm của thị xã, sự vào cuộc của chính quyền và người dân địa phương, song trong đó cũng có những đóng góp thầm lặng của Hội LHPN phường. Tuy nhiên, nói như vậy không phải mọi chuyện đã được như ý muốn. Thực tế công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủy Lương vẫn còn nhiều chuyện phải tiếp tục quan tâm, nhất là khi tình trạng đổ rác thải bừa bãi ở trên một số tuyến đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan vẫn còn đang xẩy ra. Và vì thế, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường cũng như thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” đối với Hội LHPN phường vẫn còn ở phía trước.

Thùy Hương-Phương Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội...

Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top