Hội LHPN tỉnh kết nối tặng quà cho hội viên khó khăn
Dệt những yêu thương
Hôm chúng tôi gặp, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc ở tổ dân phố 4, thị trấn Phú Lộc đang chuẩn bị thực phẩm để nấu cháo phát cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện. Việc làm này được chị Phúc duy trì từ nhiều năm nay.
Chị Phúc nhớ lại, cách đây gần 10 năm, chị lấy chồng ở thị trấn Phú Lộc rồi xây nhà gần Trung tâm Y tế huyện. Chứng kiến nhiều bệnh nhân và người nhà ăn chung một hộp cơm để tiết kiệm, chị cứ suy nghĩ mãi.
“Tôi quyết định nấu cháo để phát miễn phí cho bệnh nhân. Lúc đó tôi vừa làm nhân viên thư viện vừa buôn bán thêm hàng online nên phần nào cũng tự chủ được chi tiêu”, chị Phúc bộc bạch.
Không quy định thời gian, hễ có tiền chị Phúc lại mua thịt, rau quả và các loại hạt để nấu cháo cho bệnh nhân. Lúc đầu chỉ dành cho bệnh nhân nghèo, sau đó thấy nhiều bệnh nhân khác và người nhà bệnh nhân cũng rất cần nên chị Phúc phát toàn bộ. Có ngày lên gần 150 suất. Chứng kiến niềm vui, niềm hạnh phúc của bệnh nhân cũng như người nhà họ khi bưng bát cháo nóng hổi, thơm phức càng tiếp thêm động lực cho chị Phúc.
Sau này nhận được sự chung tay của các mạnh thường quân không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, mỗi tháng chị Phúc nấu 4 lần cháo và một lần cơm. Những ngày bạn bè rảnh rỗi thì phụ chị nấu, nếu không chị đảm nhận một mình. Bà Nguyễn Thị Xanh ở xã Lộc Trì kể: “Tôi già rồi nên hay bị bệnh, thường xuyên phải nằm viện và được chị Phúc phát cháo miễn phí. Sợ tôi đi mệt, lúc nào chị Phúc cũng đưa đến tận giường bệnh.
Không chỉ nấu cháo tình thương, chị Phúc còn là cầu nối nâng đỡ nhiều học sinh nghèo. Trong đợt lũ lụt năm 2020, mạnh thường quân nào kết nối qua chị về Phú Lộc tặng quà, chị đều “bắt cóc” đến thăm những hoàn cảnh éo le. “Tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm, các mạnh thường quân đã quyết định hỗ trợ sửa chữa 5 ngôi nhà và làm mới 1 ngôi nhà, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng”, chị Phúc vui vẻ khoe.
Bản thân chị Phúc nhiều lần được Hội LHPN tỉnh, UBND huyện Phú Lộc tuyên dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hơn 10 năm qua, chị Châu Thị Kim Quy ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang không nhớ đã sẻ chia với bao nhiêu hoàn cảnh, bởi với chị giúp đỡ được ai thì giúp, đong đếm làm gì.
“Thường thì biết gia đình nào quá khó khăn, ở nhà tạm, không có giường, tôi tặng họ chiếc giường, giúp thêm gạo, chút tiền. Nếu trường hợp mẹ góa con côi, hoặc bệnh tật neo người, tôi “theo” cho đến lúc cuộc sống họ ổn định hơn. Cũng không nhiều nhặn gì, nhưng tôi nghĩ người ta cảm nhận được sự quan tâm, động viên dù nhỏ, sẽ vững tin hơn để cố gắng”, chị Kim Quy cho biết.
Tôi cùng chị Kim Quy đến thăm nhà vợ chồng bà Thái Thị Bê ở thôn Nam Thượng, xã Phú Thượng. Chồng bà Bê bị mù vẫn vui mừng nhận ra ngay bước chân quen thuộc của người vẫn thường sẻ chia, giúp đỡ mình. Tình cảm đó của chị Quy đã truyền sang cho những đứa con. Các con của chị biết mẹ giúp đỡ trường hợp nào cũng chung tay.
Hội viên phụ nữ tỉnh tình nguyện phục vụ hậu cần tại khu cách ly phòng chống dịch COVID-19
Trân quý
Chị Ngô Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhớ lại, khi được giao nhiệm vụ phục vụ hậu cần tại các khu cách ly phòng chống dịch COVID-19, chúng tôi thực sự rất lo khó vận động hội viên, phụ nữ tham gia. Nhưng khi vào cuộc, mọi công việc đều trôi tròn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có trên 3.600 lượt cán bộ, hội viên phục vụ các khu cách ly của tỉnh và các địa phương; tham gia phục vụ công tác hậu cần với hơn 10.000 suất ăn/ngày tại các khu cách ly tập trung của tỉnh và huy động được hàng chục tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chống dịch. Nhiều chị đến từ các xã rất xa, cách khu cách ly hàng chục cây số vẫn sẵn sàng dậy từ 4h sáng, làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ để đến phục vụ hậu cần tại khu cách ly phòng chống dịch COVID-19. Có những người chị, người mẹ tự may và trao tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…
Chị Hoàng Thị Mười, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền chia sẻ: “Tôi hành động theo mệnh lệnh của con tim, tôi thấy mình có thể đứng bếp để phục vụ nấu ăn, trong khi khu cách ly cần người phục vụ hậu cần nên tôi tham gia”.
Năm 2020 lũ lụt liên tiếp xảy ra, nhiều chị sẵn sàng gác lại niềm vui riêng để dành thời gian về với những người dân vùng sâu, vùng xa còn bị ảnh hưởng do thiên tai để kịp chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, hội viên phụ nữ phường Hương Sơ, TP. Huế cho biết, thay vì đi du lịch như kế hoạch, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị và nhóm bạn đã dành trọn số tiền hơn 10 triệu đồng gom vào quỹ để về trao cho bà con vùng lũ Quảng Điền. Ngoài ra, chị Trang cùng với câu lạc bộ "Nhân ái" do mình thành lập đã kết nối với các nhà hảo chia sẻ hơn 2 tỷ đồng đến với những người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Thơm ở tổ dân phố 2, thị trấn Phú Bài vẫn đủ nhiệt huyết truyền lửa thiện nguyện cho lớp trẻ. Năm vừa qua, hễ nhận được lương hưu và tiền hỗ trợ của các con gửi về là bà lại lên đường. Để nhanh gọn nhẹ nhàng, bà ưu tiên trao tiền mặt cho tiện, đợt nhiều thì hàng chục suất, mỗi suất 500 ngàn, đợt ít thì hàng chục suất, mỗi suất vài ba trăm ngàn đồng.
“Mỗi người một cách làm, nhưng tất cả đã chạm vào trái tim của cả người cho lẫn người nhận và đủ để dệt nên nhưng gam màu yêu thương, tô đẹp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi thật sự trân quý những việc làm của các chị”, chị Ngô Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Bài, ảnh: Hải Thuận