ClockThứ Ba, 20/06/2017 05:51

Tham gia bảo vệ môi trường

TTH - “Hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ”; “Bảo vệ môi trường xanh vì nếp sống văn minh đô thị”, “Mỗi gia đình có một thùng đốt vàng mã”… là những mô hình được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường (BVMT).

Làm sạch đường làng ngõ xóm là một trong những hoạt động được các chi hội phụ nữ thực hiện thường xuyên

Vào cuộc

Tuy được Dự án VIE của Lucxembourg phối hợp với UBND huyện Phú Vang trang bị cho mỗi gia đình xã Phú An một bộ dụng cụ đựng rác gồm 1 xô quy định màu xanh đựng rác hữu cơ và 1 giỏ màu đỏ đựng rác vô cơ, đồng thời hướng dẫn kỹ cách phân loại rác, nhưng để người dân đồng loạt thực hiện lại không dễ, do việc vứt rác bừa bãi đã thành thói quen của nhiều người, hơn nữa, nhiều người có suy nghĩ việc làm đó cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Từ thực tế trên, Hội LHPN xã yêu cầu chị em tiên phong thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại nhà. Đối với giỏ đựng rác vô cơ, phải đặt trước cửa nhà đúng giờ xe đến thu gom để đưa đến điểm tập kết tại các bãi xử lý rác thải của tỉnh. Rác hữu cơ dễ phân hủy nên bên cạnh việc tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc như cọng rau, thức ăn thừa, hội vận động chị em đào hố chôn lấp, sau đó trồng một cây ăn quả hoặc cây cảnh tùy theo sở thích; hoặc kết hợp với chế phẩm sinh học làm phân xanh bón cho cây trồng…

Sau một thời gian thực hiện, nhiều gia đình ở Phú An nhận thấy, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho gia đình mà còn hạn chế mùi hôi thối từ rác hữu cơ. Cách làm đơn giản, hiệu quả thấy rõ nên người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã được cải thiện đáng kể.

Ông Phan Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An nhận xét: “Nhờ có sự tiên phong của chị em, bà con hiểu được việc làm nhỏ của mỗi cá nhân không chỉ làm sạch nhà mình mà còn góp phần bảo vệ môi trường chung nên thực hiện rất nghiêm túc”.

Đặc thù của xã Hồng Tiến (TX. Hương Trà) có nhiều thôn tái định cư, để hạn chế ô nhiễm môi trường do một số hộ dân chăn thả gia súc, gia cầm tự nhiên khiến ruồi, muỗi phát triển làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng, Hội LHPN xã đã vận động bà con tăng cường trồng rau sạch, sử dụng chất thải chăn nuôi làm nguồn chất đốt hoặc ủ phân bón cho hoa màu. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các chị vay tín chấp xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà vệ sinh tự hoại, nhà bếp và hệ thống xử lý nước thải cho gia đình…Nhờ những đợt ra quân đồng loạt, đường làng, ngõ xóm và các trục đường công cộng do các chi hội quản lý luôn sạch sẽ, hệ thống kênh mương được khơi thông dòng chảy, hạn chế sự phát triển của các loài sinh vật có hại như bèo tây, ruồi muỗi… Chị Hồ Thị  Xê ở thôn 2, xã Hồng Tiến chia sẻ: “Nuôi heo trong chuồng vừa không lo mất, vừa kết hợp chăm sóc vườn rau nên có thêm thu nhập. Hơn nữa, được chi hội biểu dương vì không gây ô nhiễm môi trường nên ai cũng thấy vui”.

Nhiều cách bảo vệ môi trường

Vào các dịp lễ, tết..., rất nhiều chi hội phụ nữ trên toàn tỉnh đều đồng loạt ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải để xử lý, khơi thông cống rãnh. Nhiều hội thi về phòng chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Hội LHPN các địa phương tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức như: biểu diễn thời trang, kịch ngắn, văn nghệ vừa tạo cơ hội cho chị em thể hiện tài năng, vừa nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức tiết kiệm trong việc tái sử dụng các vật dụng phế thải như chai, lọ, túi ni lông… để góp phần BVMT cho chính mình và cộng đồng. Sự hăng hái tham gia của hội viên là lời nhắc nhở người thân của họ có ý thức hơn, bỏ dần thói quen vứt rác bừa bãi ra đường... Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nói chuyện theo từng chuyên đề, hướng dẫn hội viên các địa phương đăng ký mô hình “5 không, 3 sạch”, đoạn đường sạch, đẹp, không rác; hướng dẫn người dân sau khi sử dụng  thuốc bảo vệ thực vật trên lúa, rau màu xong phải thu gom bao bì, chai lọ để tiêu hủy... Đồng thời, khuyến khích các chi hội tận dụng nguồn rác sau khi phân loại như chai, lọ, túi ni lông để bán phế liệu, từ đó, xây dựng các nguồn quỹ như quỹ học sinh nghèo hiếu học, quỹ hỗ trợ vốn cho hộ nghèo…

Bà Võ Thị Phương Thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh cho biết: “Thời gian đầu, nhiều chị không muốn tham gia các hoạt động BVMT vì nghĩ rằng hiệu quả sẽ không cao, nhưng chứng kiến những việc làm đơn giản mà đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, tỷ lệ chị em tham gia ngày càng nhiều”. Hàng năm, vào dịp tổng kết cuối năm, Hội LHPN tỉnh cũng lồng ghép cho các chi hội được trình bày các tiểu phẩm tự biên nói về người thật việc thật xoay quanh vấn đề ô nhiễm môi trường; có chế độ biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, hội viên, phụ nữ có nhiều thành tích trong BVMT.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường

Ngày 30/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên dương điển hình trong hoạt động bảo vệ môi trường và Tổng kết Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ và giảm thiểu rác thải nhựa” giai đoạn 2023 – 2024. Dự án do Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Tổ chức WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) thực hiện. ​

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường
Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa

Sáng 25/9, Sở Du lịch phối hợp với Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam) tổ chức hội thảo sơ kết triển khai lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025.

Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa

TIN MỚI

Return to top