ClockThứ Tư, 30/08/2023 16:39

Trao sinh kế, giúp hội viên phát triển kinh tế

TTH - Những đồng vốn nặng nghĩa tình này tuy chưa nhiều, nhưng là sự tiết kiệm của hội viên phụ nữ qua các phong trào nuôi heo đất, lập sổ tiết kiệm, thu gom phế liệu… Chính những lứa gà, lứa heo giống ngày càng sinh sôi, mang lại hiệu quả kinh tế đã góp phần giúp rất nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn.

Tặng mô hình sinh kế, đồ dùng học tập cho người dân, học sinh biên giớiBảo tồn thiên nhiên, phát triển sinh kếHỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn tại A Lưới

Trao gà giống và thức ăn chăn nuôi cho hội viên khó khăn 

Trao nghĩa tình cho hội viên

Sau hơn một năm chăn nuôi, con heo giống của gia đình chị Trương Thị Hòa (TDP An Đô), phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà đã cho xuất chuồng hai lứa heo con.

“Gia đình tôi khó khăn, sống chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng, cũng muốn chăn nuôi thêm nhưng không có tiền để mua con giống. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hương Chữ hỗ trợ heo giống tôi vui lắm. Cũng nhờ chăm mát tay nên heo giống phát triển tốt, cho xuất chuồng hai lứa heo con khỏe mạnh. Thời gian tới, tôi sẽ cải tạo lại chuồng để nuôi thêm heo thịt, phát triển chăn nuôi để kinh tế gia đình ổn định hơn”, chị Hòa bộc bạch.

Chị Phan Thị Khuyên (Phú Diên, Phú Vang) cũng là hội viên phụ nữ khó khăn. Chồng mất sớm, chị đau ốm không làm được việc nặng, lại một mình nuôi ba người con ăn học nên kinh tế lúc nào cũng eo hẹp. Trước hoàn cảnh của chị, Hội LHPN xã đã tặng cho chị 100 con gà, hỗ trợ sinh kế để chị cải thiện kinh tế gia đình.

Ngày nhận những con gà nghĩa tình của chị em, chị Khuyên vui mừng khôn tả, ngày đêm chăm sóc đàn gà. Trời không phụ công chăm bẵm của chị, đàn gà ngày càng phát triển tốt, gà mái chị để đẻ trứng, phát triển thêm đàn gà con, gà trống lớn chị bán bớt để mua thêm thức ăn. Sau gần 2 năm chăm sóc, không những số lượng đàn gà tăng mà chị cũng có được nguồn thu khá khá từ việc bán gà thịt.

“Thấy đàn gà phát triển tốt, bà con trong xóm ai cũng thương, người thì dồn cơm nguội, người thì cho rau, cá vụn… để thêm nguồn thức ăn cho gà. Gà tôi nuôi thả, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên nên sức đề kháng khá tốt, không hề bị dịch bệnh. Số tiền lời từ bán gà, tôi ky cóp để mua thêm hàng mở bán thêm quầy tạp hóa nhỏ tại nhà để có thêm nguồn thu”, chị Khuyên tâm sự.

Niềm vui cũng đến với chị Trần Thị Mơ, thôn La Khê Bãi, xã Hương Thọ (TP. Huế) khi chị được Hội LHPN xã trao sinh kế là 60 con gà và 100kg thức ăn chăn nuôi. Chị cảm động: “60 con gà giống của Hội PLHPN xã tặng là tài sản lớn đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc để đàn gà phát triển thật tốt.

Đa dạng các giải pháp

 Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú giúp nhau cùng phát triển như: Hỗ trợ vốn vay không lãi suất, cây - con giống, phân bón...

Các hội viên kinh tế khá giúp hội viên khó khăn bằng cách cho mượn vốn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…

Phong trào tạo mô hình sinh kế được Hội LHPN các địa phương lan tỏa nhằm hỗ trợ, giúp đỡ chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn có thể phát triển kinh tế ổn định. Những mô hình sinh kế  không chỉ trao cho chị em “chiếc cần câu” mà đã giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, biết tận dụng tiềm năng sẵn có về đất đai, nguồn thức ăn, công lao động để phát triển kinh tế gia đình từ việc nhỏ nhất, rồi dần dần mở rộng quy mô để tạo sự bền vững.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, giúp đỡ về cây, con giống…, các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho phụ nữ; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất; hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, nâng cao kiến thức kỹ năng tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Ngô Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội đã và đang tập trung nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế. Duy trì sinh hoạt 9 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ khởi nghiệp tại 9 huyện, thị xã, thành phố Huế. Hỗ trợ tập huấn, nâng cao kỹ năng cho 12 mô hình sinh kế và triển khai giúp đỡ nhiều mô hình sinh kế mới cho hội viên phụ nữ các địa phương. Thành lập mới 5 tổ hợp tác, 41 tổ liên kết nâng tổng số tổ hợp tác lên 16, 119 tổ liên kết do phụ nữ quản lý.

Hội tiếp tục thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh giúp hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đến nay, dư nợ thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH gần 2,1 nghìn tỷ đồng với 1.256 tổ tiết kiệm và vay vốn. Giải ngân vốn vay từ nguồn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” là 3 tỷ 388 triệu đồng cho 196 chị em hội viên, phụ nữ. Năm 2023, các cấp hội cũng đăng ký giúp 459 hộ gia đình hội viên thoát nghèo.

Từ nguồn sinh kế là cây, con giống, phương tiện lao động, sản xuất hay vốn vay ưu đãi được trao cho phụ nữ nghèo của Hội LHPN tỉnh thời gian qua đã tạo động lực để chị em hội viên vươn lên, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top