ClockThứ Hai, 04/06/2018 13:30

Khởi nghiệp từ những bó rau muống

TTH - Đó là câu chuyện của Lê Thị Kim Hằng, người phụ nữ trẻ đã được khẳng định với sản phẩm gia vị nấu bún bò Huế đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) năm 2017”.

Hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệpĐại học Huế tổ chức "talk show" về khởi nghiệpKhởi nghiệp: Đòi hỏi kiến thức và kỹ năngKhởi nghiệp - Ý tưởng đến từ đâu?

 Kim Hằng (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn sinh viên tại Trường ĐH Kinh tế Huế

Ý tưởng đến từ đâu?

Kim Hằng thuộc thế hệ đầu 9x. Năng động, tự tin và yêu Huế vô cùng là những điều rất dễ thấy từ người phụ nữ trẻ này. Chia sẻ với các bạn sinh viên của Trường đại học Kinh tế Huế trong diễn đàn “Khởi nghiệp – Ý tưởng đến từ đâu?”, Hằng kể câu chuyện về cô học trò xứ Huế đã ham muốn kinh doanh làm giàu ngay khi vừa tốt nghiệp THPT và ra Hà Nội ôn thi đại học. Hai năm đầu, Hằng đều rớt các cuộc thi đại học do “máu” chạy theo niềm đam mê của mình bằng việc buôn rau muống.

Khăn gói ra Thủ đô luyện thi đại học, Hằng được ba mẹ cho mỗi tháng 5 triệu đồng. Gần chỗ ở trọ, thấy người ta trồng rất nhiều rau muống, Hằng ra chợ tìm mối, kết nối với những bà, những chị có sạp bán rau củ. Hằng quan sát thấy ở những sạp này, rau muống là món bán chạy nhưng mỗi ngày những người phụ nữ ấy lại không thể chở một số lượng lớn riêng rau muống. Vậy là mỗi ngày, cô dành 300 ngàn đồng, mua rau của những người trồng để bỏ sỉ cho các sạp, ăn chênh lệch mỗi mớ 1.000đ. Với con đường này, mỗi ngày Hằng dậy từ lúc 5h sáng, chở rau muống bỏ chợ rồi mới về đi học. Nhưng “sự nghiệp” chỉ kéo dài được một tuần, vì khách hàng bắt đầu “chê ỏng, chê eo” rau cứng, xấu và ép giá. Bài học đầu tiên Hằng ghi nhớ cho mình: “Sản phẩm không có chất lượng tốt thì sẽ thất bại, do khách hàng chỉ mua với giá rất thấp, không có lợi nhuận”.

Nghỉ bán rau muống không có nghĩa là Hằng bỏ cuộc. Rất nhanh sau đó, Hằng chuyển hướng kinh doanh đặc sản tôm chua Huế. Hằng nhắm vào sản phẩm này do nhận thấy người dân ở phía Bắc rất thích du lịch đến Huế và thích món tôm chua của Huế. Bán mắm, Hằng có chênh lệch mỗi hũ 10.000 đồng, khi chuyển hàng từ Huế ra bỏ mối cho các quầy hàng tạp hóa. Vốn kinh doanh hoàn toàn được cô “khéo co” từ nguồn kinh phí ba mẹ cho sinh hoạt hàng tháng. Lúc này, Hằng đã “nhạy” hơn, bắt đầu thử sức với nhiều loại sản phẩm khác, như: áo quần, mỹ phẩm. Do hạn chế nguồn vốn, nên ngay ở chợ đầu mối, thay vì rộng tay đóng từng thùng hàng về bán như người ta, Hằng chỉ có thể chọn mỗi sản phẩm áo váy một mẫu “mốt” nhất cho cửa hàng của mình.

Rồi việc kinh doanh nhỏ lẻ của cô chủ nhỏ tạm dừng do gặp khủng hoảng thị trường. Cô cũng chính thức vào đại học. Nhưng từ đây, duyên nợ với gia vị chuẩn bún bò Huế của Hằng bắt đầu được nhen nhóm. Hằng nấu món bún bò Huế rất ngon. Bạn bè người thân ai một lần ăn cũng khen. Được khen nhiều, Hằng lại “máu”. Vậy là vừa học, Hằng vừa thuê vỉa hè bán bún bò Huế. Nhưng nồi bún vỉa hè của Hằng sớm gặp thảm cảnh. Hôm đầu bán được hơn 80 tô. Sau giảm dần còn một vài tô. Rồi có ngày không bán được tô nào cả, phải dẹp. Bài học thứ hai Hằng ghi cho bản thân mình: Vị trí là một trong những quyết định sống còn đối với những hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhất là dịch vụ cà phê, quán ăn.

Tự tin với những sáng tạo khác biệt

Từ bài học thứ hai, quyết định cùng bạn góp 80 triệu đồng trong tổng số vốn hơn 100 triệu đồng để đặt cọc mặt bằng trong ba tháng. Tuy mặt bằng chỉ đủ rộng đặt 6 bàn nhỏ, phục vụ cùng lúc hơn 20 khách, nhưng Hằng xem đó đã là điều kiện tốt. Hằng và bạn đặt tên “Gạo De” cho nhà hàng nhỏ của mình, phục vụ 70% là du khách nước ngoài. Duy trì được ba năm, Hằng có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu: Chỉ kinh doanh những việc mà thị trường có nhu cầu, ít người làm và đã làm thì phải khác.

Trụ lâu và thành công được với món bún bò Huế, Hằng tin rằng với mình đó là duyên. Hằng nhận thấy nhu cầu của mọi người thích món bún bò rất cao. Nhiều khách du lịch đến Huế sau khi ăn bún bò Huế đều mong muốn được hướng dẫn để có thể nấu món này khi về nhà. Với tay nghề của mình, Hằng được mời đến các nhà hàng, khách sạn để hướng dẫn nhiều đầu bếp “nêm chuẩn” món bún bò Huế. Tuy nhiên, những chủ nhà hàng từng mời Hằng nâng tay nghề cho đầu bếp về món bún bò Huế, đa số đều gặp chung vấn đề là sau khi Hằng đi, những đầu bếp “trở chứng” đòi tăng lương, nếu không họ sẽ giấu tay nghề khiến nhà hàng không giữ và phát triển được nguồn khách như mong muốn. “Điều đó cho thấy, mở được một nhà hàng về món bún bò Huế đã khó, nếu muốn mở được chuỗi nhà hàng bún bò Huế khắp thế giới, chắc càng khó hơn vạn lần. Hằng quyết định nghiên cứu công thức làm ra gia vị bún bò Huế”, Hằng chia sẻ. Đó chính là sản phẩm đã đưa người phụ nữa ấy lên đứng ở vị trí cao nhất của cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017”.

Hằng nói thêm: Lúc đầu, sản phẩm của Hằng chỉ giải quyết cho mảng nhà hàng, đầu bếp. Sau đó, nhận thấy tất cả mọi người đều cần, nhất là những người Huế xa quê và khách du lịch yêu thích món bún bò Huế. Sản phẩm của Hằng cũng hướng đến đối tượng này. Với Hằng, sản phẩm đổi mới sáng tạo đó là giải quyết được một nhu cầu nào đó trong cuộc sống và phải đạt được hiệu quả tốt để tránh những rủi ro và mang lại được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Từ kinh nghiệm khảo sát thị trường để đảm bảo tính khả thi cho sản phẩm của riêng mình, Hằng cho biết: Có thể công thức mình nghĩ đến cũng đã có những sản phẩm tương tự trên thị trường. Vấn đề đó không đáng ngại. Quan trọng là, chúng ta phải nghiên cứu kỹ thị trường, dùng thử càng nhiều càng tốt những sản phẩm tương tự đã có trên thị trường và đánh giá được sự khác biệt giữa chất lượng sản phẩm của mình với chất lượng của những sản phẩm tương tự. Sau khi kiểm tra những sản phẩm đối thủ, xác định được điểm mình khác họ và có thể tạo được giá trị riêng cho sản phẩm từ điểm khác ấy thì sẽ tự tin.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Năng động và sáng tạo

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ đáp ứng yêu cầu thời đại mới: Có tri thức, đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Năng động và sáng tạo
Ươm mầm khởi nghiệp

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) còn được hỗ trợ thực hành, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp
HỘI NGHỊ CẤP CAO TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI (WMS) LẦN THỨ SÁU:
Hướng đến đổi mới, đoàn kết xây dựng tương lai chung

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Truyền thông thế giới (WMS) lần thứ sáu đang diễn ra, các chuyên gia truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia vào các cuộc thảo luận sôi nổi, đưa ra những hiểu biết sâu sắc về các cơ hội mới nổi, cùng nhau điều hướng giải quyết nhiều thách thức cấp bách và khám phá những hướng đi mới cho tiến trình cộng tác.

Hướng đến đổi mới, đoàn kết xây dựng tương lai chung
Return to top