LĐLĐ TP. Huế tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho đoàn viên tại Phòng khám Đa khoa Âu Lạc - Thanh Sơn
Đáp ứng nhu cầu
Có chỗ nghỉ ngơi sau giờ dạy là niềm mong mỏi của các thầy cô giáo Trường tiểu học Thượng Long (Nam Đông) bấy lâu nay. Giữa tháng 7 vừa qua, điều ước đó được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Nam Đông hiện thực hóa với việc hỗ trợ xây dựng nhà công vụ tại đây. Nhà công vụ được xây mới gồm 2 phòng, diện tích 30m2, do Công ty CP KC Quảng Ninh tài trợ với số tiền 75 triệu đồng.
Thầy Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường tiểu học Thượng Long cho biết, trường có tất cả 26 đoàn viên, trong đó khoảng 10 giáo viên có nhu cầu nghỉ lại trưa và buổi tối. Trước đây, thầy cô thường ăn uống và nghỉ tạm tại phòng giáo viên hoặc tá túc tại nhà người quen ở xã khác vào buổi tối. Xây dựng nhà công vụ là vấn đề bức thiết, kịp thời giúp thầy cô có chỗ nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe sau giờ dạy học.
Đây cũng là nhà công vụ thứ 4 thuộc Chương trình “Điều ước đoàn viên”, do LĐLĐ tỉnh vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ cho những giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trước đó, 3 nhà công vụ đã được hoàn thành và bàn giao cho các giáo viên Trường tiểu học & THCS Xuân Lộc (Phú Lộc), Trường tiểu học & THCS Hương Nguyên (A Lưới) và Trường THCS bán trú Long Quảng (Nam Đông).
Với mục tiêu chia sẻ khó khăn với đoàn viên, năm 2019, Chương trình “Điều ước đoàn viên” đã hiện thực hóa 6 điều ước với các nội dung thiết thực như: Lắp đặt hệ thống nước sạch tại khu tập thể giáo viên ở các trường vùng sâu, vùng xa; xây dựng nhà công vụ giúp giáo viên nghỉ trưa, tránh mưa bão… Đây là nỗ lực của LĐLĐ tỉnh trong việc đổi mới chương trình phúc lợi, kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Tại LĐLĐ TP. Huế, 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp ký kết chương trình phúc lợi với đơn vị đã cung cấp hàng giảm giá theo biên bản thỏa thuận cho hơn 300 đoàn viên, người lao động thụ hưởng với tổng trị giá ước đạt hơn 70 triệu đồng. Đáng chú ý, LĐLĐ thành phố còn phối hợp với Phòng khám Đa khoa Âu Lạc - Thanh Sơn, Phòng khám Cựu quân nhân tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động lồng ghép khám sức khỏe miễn phí cho trên 250 đoàn viên thuộc các công đoàn cơ sở các phường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên… Qua đó, phát hiện hơn 60 ca bệnh về tim mạch, tiêu hóa, viêm đường ruột, sỏi thận và đã được các đơn vị khám bệnh điều trị.
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố chia sẻ, phúc lợi mang lại cho đoàn viên từ hoạt động khám sức khỏe khó đo đếm được bằng tiền, nhưng giúp mọi người phát hiện sớm các bệnh tật tiềm ẩn để sớm chữa trị, đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc. Vừa qua, LĐLĐ thành phố đã thỏa thuận với 2 đơn vị phòng khám trên và Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho 2 trường hợp đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó cần điều trị dài ngày.
Thay đổi tư duy
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thông tin, sau 2 năm thực hiện Chương trình phúc lợi với 30 đối tác, đơn vị nhận thấy vẫn có những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện hoạt động bán hàng giảm giá, khi giá trị ưu đãi chưa thể hiện rõ lợi ích của đoàn viên so với các đối tượng khác. Chính vì vậy, từ đầu năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã có kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng thời chủ động thực hiện Chương trình phúc lợi theo hướng ký kết với những đối tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của đoàn viên; đồng thời kết hợp việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với các hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực và rõ ràng hơn cho đoàn viên và người lao động.
Tính đến nay, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện ký kết với 10 đối tác tham gia Chương trình phúc lợi theo hướng thiết thực, như: Chương trình học bơi cho đoàn viên và con đoàn viên dịp hè 2019; cung cấp các sản phẩm gạch, sơn tường, tôn lợp với giá ưu đãi cho đoàn viên được hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”... LĐLĐ tỉnh dự định tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ xây dựng một số nhà vệ sinh cho thầy cô và các em học sinh tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tới.
Theo bà Hoài Hương, LĐLĐ tỉnh muốn hướng các hoạt động phúc lợi mang tính nhân văn hơn, với việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn sẽ đảm nhận vai trò cầu nối, thương lượng và thuyết phục các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội với đoàn viên, người lao động cần được giúp đỡ. LĐLĐ mong muốn, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tiên hỗ trợ, giúp đỡ người lao động tại đơn vị. Từ đó, từng bước thay đổi tư duy của doanh nghiệp trong việc chăm lo đời sống, mang lại nhiều phúc lợi hơn nữa cho đoàn viên.
Song hành cùng đó, Công đoàn tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức kỷ luật, thái độ làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp chỉ sẵn sàng “mạnh tay” chia sẻ phúc lợi khi người lao động gắn bó, tận tâm cống hiến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất của chương trình phúc lợi khi cả người lao động và người sử dụng lao động cùng nhìn chung một hướng, cùng nhau chia sẻ lợi ích.
Bài, ảnh: Minh Nguyên