Sáng kiến của chị Lê Thị Thúy Nga đã mang lại hiệu quả trong mô hình trồng lan hồ điệp
Trạm bảo vệ rừng lắp ghép
Mấy năm gần đây, thay vì xây trạm bảo vệ rừng bằng bờ lô hoặc gạch với giá từ 150- 250 triệu/trạm, Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa áp dụng sáng kiến “Trạm bảo vệ rừng lắp ghép” chỉ mất từ 40 đến 80 triệu đồng/trạm, tùy vào chất lượng vật liệu, diện tích và công năng, làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là đề tài sáng kiến do anh Lê Nguyên Bảo, Phó Trưởng phòng Tài vụ Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa làm chủ đề tài.
Theo anh Bảo, việc xây dựng các trạm để bảo vệ khu vực rừng tự nhiên luôn là một vấn đề nan giải cho công ty, do các trạm bảo vệ thường xây dựng các vị trí trọng yếu, nằm trong rừng sâu, có nơi không có đường đi cũng như phương tiện để vận chuyển vật liệu. Bên cạnh đó, vị trí trạm bảo vệ rừng có thể phải thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ rừng theo từng giai đoạn. Đó là lý do thôi thúc anh ấp ủ và cho ra đời sáng kiến “Trạm bảo vệ rừng lắp ghép”.
Anh Bảo cho biết, vật liệu làm nhà trạm theo mô hình lắp ghép chủ yếu sử dụng sắt ống để làm cột nhà, sắt hộp để làm vì kèo, đòn tay, cửa, mái lợp tôn có phủ bạt chống nóng. Tường nhà làm bằng tôn để chống mưa, phía trong lát gỗ để tạo cảm giác ấm áp khi mùa đông và hạn chế nóng trong mùa nắng. Tùy kích thước nhà để chọn kích cỡ vật liệu phù hợp. Riêng cát, sỏi có thể khai thác tại khe suối trong khu vực. Tất cả đều được gia công tại các xưởng cơ khí theo bản vẽ. Sau đó tháo rời ra từng bộ phận để vận chuyển đến địa điểm xây dựng trạm. Các bộ phận nhà sẽ được liên kết với nhau bằng bulông, vít. Mùa mưa bão, nhà lắp ghép được sử dụng cáp và tăng đơ để giằng chống gió tại các vị trí đã gia công theo bản vẽ. Bên trong mỗi nhà đều đúc khối bê tông hình cái giường vừa làm giường nghỉ ngơi của nhân viên vừa làm hầm tránh trú bão. Mỗi trạm đều kèm theo một nhà vệ sinh khép kín cũng theo hình thức lắp ghép tiện lợi. Ngoài tiết kiệm kinh phí, sáng kiến “Trạm bảo vệ rừng lắp ghép” còn dễ thi công, không đòi hỏi nhân công có tay nghề và khi cần thiết có thể tháo để chuyển sang vị trí khác.
Nhiều sáng kiến giá trị
Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ đèn Led nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí trong sản xuất giống lan đại hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô” của kỹ sư Lê Thị Thúy Nga, Phó phòng Kế hoạch và bảo vệ rừng, Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong cũng góp phần làm lợi trong sản xuất kinh doanh. Theo chị Nga, tính mới và tính sáng tạo trong nghiên cứu này chính là lần đầu tiên trên toàn quốc, đèn Led được sử dụng kết hợp với ánh sáng tự nhiên trong sản xuất nuôi cấy mô lan đại hồ điệp. Đưa ra được phương pháp bố trí, sắp xếp, kết hợp với xây dựng hệ thống phòng nuôi có kết cấu phù hợp đảm bảo kết hợp ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo trong sản xuất mẫu lan đại hồ điệp.
Sáng kiến được áp dụng từ cuối năm 2020 đến nay, được doanh nghiệp đánh giá cao không chỉ về hiệu quả kinh tế và kỹ thuật mà còn đem lại hiệu quả về mặt xã hội và môi trường, tạo ra bước ngoặt mới trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất cây giống chất lượng cao của tỉnh nhà.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phụ trách Trung tâm sản xuất Nông lâm nghiệp, Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong đánh giá: “Việc áp dụng sáng kiến của kỹ sư Lê Thị Thúy Nga giúp trung tâm đạt được 2 mục tiêu về lợi nhuận. Đó là tăng chất lượng cây mầm và giảm chi phí sản xuất, giúp việc tiêu thụ cây giống ra thị trường dễ dàng và thuận lợi hơn”.
Với sáng kiến, chế tạo xe quét và gom rác không động cơ, thầy Phan Hữu Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Phú Bài, thị xã Hương Thủy đã giúp người lao công quét và gom rác dễ dàng. Tiết kiệm được nhiều công sức so với quét và gom rác thủ công (dùng chổi, thùng rác).
Đây là ba trong rất nhiều sáng kiến tham gia phong trào “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, được áp dụng có hiệu quả trong lao động sản xuất.
Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của tổ chức công đoàn. Ngoài ra, từng năm, từng giai đoạn lại có những phong trào cụ thể để khơi dậy các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp người lao động phát huy tiềm năng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển, chẳng hạn gần đây có phong trào “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”. Từ đó, có nhiều sáng kiến và đề tài nghiên cứu được các cấp có thẩm quyền công nhận, đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí đầu tư, chi phí sản xuất cho các cơ quan, đơn vị, làm lợi hàng tỷ đồng.
Bài, ảnh: Tuấn Khoa