|
Bác Hồ thăm và nói chuyện với các cháu thiếu niên nhi đồng. Ảnh: Tư liệu |
Cán bộ là chỗ dựa của người dân
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong bài viết “Con người và di sản” đã đề cập đến những giá trị của người xưa để lại; vấn đề là chúng ta đọc cho ra ý nghĩa chân thật của di sản, đọc cho thẩm thấu ngay đến một câu ca dao tưởng bình thường để thực hành và mang lại giá trị thiết thực. Nhà thơ nhận định: “Tri thức duy lý không đủ làm ra di sản văn hóa. Ngay cả những người đầu tiên làm nên di sản cũng không thể chỉ bằng tri thức và cần lao. Họ làm việc bằng cả tâm hồn. Đây là nói những gì đáng gọi là di sản. Chính tâm hồn đã hoàn chỉnh giá trị di sản”.
Điều này hẳn sẽ tốt thêm nếu góp vào những giá trị mà tiền nhân để lại vốn là di sản quý giá, để ai cũng có cơ hội nắm lấy tự rèn luyện mình. Gần gũi nhất là những lời dạy của Bác Hồ. Một chữ tín dẫu nhỏ vẫn khiến cho những kỹ năng con người được rèn giũa tinh xảo, năng động hơn. Một người có uy tín, nhân nghĩa, có tri thức, dĩ nhiên họ không có ý luồn lách pháp luật, bóp méo sự việc để trốn tránh trách nhiệm. Người học kỹ, thực hành kỹ lời Bác về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì sẽ không lợi mình để hại người, không tổn hại nghiêm trọng của công, đồng nghiệp.
Học tập và làm theo phong cách của Bác là học ở sự tận tụy và hết lòng vì dân, vì công việc chung của cơ quan, đoàn thể. Người cán bộ là chỗ dựa của người dân. Những lúc nguy khốn, xảy ra sự việc nghiêm trọng hoặc do thiên tai địch họa, hình ảnh của công an, bộ đội, cán bộ chung tay giúp dân thật đẹp như người thân ruột rà. Nhiều chiến sĩ công an, bộ đội luôn có mặt ở những vùng gặp thiên tai hiểm nguy. Những trận lũ lụt dữ dội cuốn phăng cả xóm, thôn nhưng không cuốn đi được tinh thần của họ cùng Nhân dân gây dựng cuộc sống thanh bình trở lại. Bão lũ đi qua sẽ thấy một khung cảnh hoang tàn; và những con người bằng trách nhiệm và tình cảm đã liều mình đến ứng cứu. Hình ảnh chân thực đó nếu không lay động niềm cảm thấu với ước nguyện bình an của người dân thì thật là phi lý!
Lấy đạo đức làm nền cho tình yêu thương
Bác Hồ là người lãnh đạo tài tình, nhân ái bao dung, giao việc đúng người, cũng vì Bác không chỉ quan tâm đến sở trường của cán bộ mà còn luôn quan tâm hoàn cảnh, đời sống gia đình họ. Sự hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc lớn vào hai vấn đề: Gia đình và nghề nghiệp. Nếu ta có một gia đình êm ấm, năng lượng tích cực sẽ hòa vào công việc khiến sự hoàn thành trở nên dễ dàng và xuất sắc. Nếu ta có một công việc phù hợp về năng lực, thời gian, tiền lương, cộng với khả năng luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao kỹ năng công tác, thì năng lượng của công việc sẽ phả vào đời sống gia đình khiến thêm hạnh phúc. Nếu gia đình không hạnh phúc, sự mệt mỏi, chán chường cũng nhiễu vào công việc, khiến ứ đọng. Nếu công việc luôn chịu áp lực, vượt quá khả năng bản thân, tinh thần trì trệ sẽ tác động xấu đến đời sống gia đình. Gia đình và công việc, hai vế này trong đời sống mỗi người luôn có tác động lẫn nhau để tạo nên kết quả của hành vi lối sống.
Nhiều câu chuyện ấm áp lúc Bác Hồ đột ngột đến thăm những gia đình nào đó vào những thời điểm đặc biệt như giao thừa, ngày lễ trọng của đất nước và động viên, giúp đỡ đó đôi lúc chỉ là món quà tinh thần, nhưng khiến ta nhớ, xúc động. Còn nhớ đêm đón Tết Mậu Tý, Bác Hồ đến tặng áo ấm và bài thơ tứ tuyệt cho ông Đặng Phúc Thông - một tấm lòng trung trinh vì nước, một lòng vì cách mạng. Lời dạy và hành động của Bác luôn bao hàm nghĩa lý sâu xa của chữ tín, của nhân, lễ, nghĩa, của sự cống hiến, vì lợi ích cho xã hội.
Bản Di chúc thiêng liêng Người để lại, xuyên suốt vẫn là lấy đạo đức làm nền cho tình yêu thương. Lời dạy của Bác Hồ trong Di chúc luôn đề cao nhân đức cho thấy tính thực tế sinh động nhằm kiến tạo một xã hội văn minh, vững mạnh. Việc chống tham nhũng, lãng phí soi chiếu vào Di chúc song hành với bồi dưỡng nền tảng đạo đức ở mỗi người luôn là việc trọng yếu trong xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò mẫu mực của người lãnh đạo, đề cao sự trong sạch của tổ chức chính trị. Sự mẫu mực không ở hình thức. Không chạy trốn bản thân khỏi những quy định, nguyên tắc đạo đức, mà lấy những nguyên tắc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để tự rèn luyện. Tôi vẫn nhớ câu nói tâm tình của một chiến sĩ công an: “Sợ nhất là mất niềm tin với Nhân dân”. Cội nguồn của niềm tin với Nhân dân là sự tự đào luyện mình trong những giá trị pháp luật, những nguyên lý đạo đức. Chỉnh sửa người dĩ nhiên cần chỉnh sửa mình, nếu không đối tượng tiếp nhận sẽ không thuyết phục. Một lối ứng xử mẫn tiệp, bao dung, nhẹ nhàng, sâu sắc bao giờ cũng xuất phát từ nội tâm sáng lành, uyển chuyển.
Những lời dạy của Bác Hồ luôn sống mãi với thời gian, đó là nền tảng đạo đức của mỗi chúng ta, và nếu được thực hành nghiêm túc trong đời sống, nó mang lại năng lượng và kỹ năng sống giúp mỗi người có ý nghĩa hơn với xã hội.