ClockThứ Tư, 02/02/2022 06:30

Sống sao cho có trách nhiệm hơn

TTH - Nói bao giờ cũng dễ. Làm và làm được mới là chuyện khó. Tuy nhiên, khi đã nói, nhất là việc tự mình nói ra, tức là cũng đã nghĩ về nó, cũng là đã tốt rồi. Chúng ta thử một lần tự nhủ mình - sống sao cho có trách nhiệm, xem thử nó tác động đến suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, ý thức… của mình như thế nào.

Vận hội cho di sản“Văn hóa phải là nguồn lực cho sự phát triển”Đột phá có tính đặc thù để phát triển đô thị bền vững

Huế có nhiều di tích, thắng cảnh

Có vẻ như, khi tự mỗi chúng ta tự nói ra điều này, chúng ta cảm nhận rằng, nó giống như một lời nhủ thầm trước những sự lựa chọn khác nhau. Anh nhặt được mấy triệu đồng, chẳng hạn, sao anh không giữ lại để tiêu xài mà tìm cách trả lại cho người bị mất. Tại sao người này làm mà người kia không? Và tại làm sao có người trên thảy đều muốn tóm vén về mình, còn có những người khác lại luôn luôn chia sẻ…

Mỗi khi nói ra được điều đó, tôi tin rằng đó là những con người luôn luôn tự vấn. Càng nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều quốc gia tự vấn về những điều như vậy và đưa ra một sự lựa chọn dựa trên lợi ích của cộng đồng, của số đông… thì sẽ dẫn dắt xã hội đi đến những điều tốt đẹp.

Thì cứ nhìn vào đời sống mà xem. Từ những chuyện quốc gia đại sự, quy mô toàn cầu đến những chuyện nhỏ hơn như chuyện gia đình, cơ quan, xí nghiệp, con hẻm, khu phố hay một bản làng nho nhỏ ở đâu đó tít trên các dãy núi cao… Bất kỳ ở đâu cũng có những vấn đề chung cần giải quyết. Giải quyết tốt những vấn đề chung, cùng đưa lại những quyền lợi cho tất thảy mọi người, hoặc ít ra là cho số đông, ấy là sống có trách nhiệm vậy!

Thí dụ về một chuyện nhỏ. Mùa hạt ươi ở bên Lào, không biết tự bao giờ mà các làng bản đã phân định những khu rừng riêng cho mình. Ai trong bản cũng có một phần quyền lợi trong đó. Đã có quyền lợi cho nên họ ra sức bảo vệ, làm những chiếc thang định vị cố định vào thân cây, leo hái hết mùa ươi này đến mùa ươi khác. Cũng là những mùa ươi, nhưng ở đâu đó không làm theo những cách như vậy mà bằng cách đốn hạ. Chỉ hưởng được duy nhất một mùa. Hai cách làm trên chúng ta hãy ngẫm xem thử ai có trách nhiệm hơn ai, ít nhất là nhìn ở khía cạnh bảo vệ rừng, cũng chính là bảo vệ môi sinh, môi trường sống của chính chúng ta, không phải cho riêng bất kỳ một người nào.

Chuyện lớn hơn. Ngay tại cuộc họp Thượng đỉnh về Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào đầu tháng 11/2021, với hơn 200 nước tham gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu khẳng định những tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Cho nên: “Đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu”. Là một đất nước mới phát triển công nghiệp hơn 30 năm trở lại đây, còn nhiều việc phải làm nhưng Việt Nam cam kết “Net zero” (lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khỏi khí quyển), hay nói cách khác là đạt mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng nhấn mạnh, đối với Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Cũng tại cuộc gặp thượng đỉnh này hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 với nguồn lực tài trợ tài chính lên đến hơn 19 tỷ USD… Những cam kết mạnh mẽ và những thỏa thuận đạt được tại COP26 đã đưa ra một thông điệp, các quốc gia ngày càng nhận thức sâu sắc hơn và có những hành động ứng xử mạnh mẽ hơn, có trách nhiệm hơn về những vấn đề nguy cơ toàn cầu, mà cụ thể ở đây là hành động để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Rồi chuyện cả nước. Với quy mô 100 triệu dân trải dài trên đất nước hình chữ S; là một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển… hàng ngày, hàng giờ trôi qua có biết bao nhiêu chuyện phát sinh - cả tích cực và tiêu cực cần giải quyết. Ngẫm, giải quyết quyết liệt những vấn đề tiêu cực cũng chính là thúc đẩy phát triển những điều tích cực.

Tỷ như chuyện chống tham nhũng. Suốt nhiều năm qua, đặc biệt là khoảng chục năm gần đây, Đảng và Nhà nước có một quyết tâm rất lớn theo đuổi mục tiêu chống tham nhũng quyết liệt. Hàng loạt đại án đã đưa ra xét xử và công cuộc này vẫn còn tiếp tục.

Nhiều người có công rất lớn trong đóng góp xây dựng nhưng có một lúc nào đó sống thiếu trách nhiệm với đất nước, với Nhân dân và với chính cả bản thân mình đã phải vướng vòng lao lý. Có thể nói đây chính là những trường hợp (mà nhiều) không thường xuyên tự vấn mình.

Nhu cầu của một đời người cần một nguồn vật chất bao nhiêu, tìm kiếm nó ra sao, để có nó phải làm như thế nào… Rồi sự cân bằng giữa vật chất và đời sống tinh thần; giữa bản thân mình và đồng bào chung quanh; giữa cái được và cái mất… luôn là những câu hỏi thường trực cho sự tự vấn. Chúng ta không thể hình dung được một đời người họ đi tìm nhiều tỷ đồng, nhiều trăm tỷ đồng, thậm chí là lớn hơn thế nữa, mà chẳng phải là tự công sức của mình làm ra, rồi để làm gì? Hậu quả là nhiều công trình bị rút ruột, nhiều thiết bị máy móc, vật phẩm kém chất lượng, nhiều tài nguyên, đất đai bị băm nát, chia xẻ, thâu tóm; nhiều người dân khó khăn ít được trợ giúp hơn, xã hội phân tầng phân lớp… Thử hỏi, sống như vậy làm sao có trách nhiệm với cộng đồng. Nhưng nhớ một điều, một đất nước phải có pháp luật; một cộng đồng, bên cạnh pháp luật còn có đạo đức xã hội chi phối. Anh sống không có trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước Nhân dân, đất nước thì sẽ có người khác thay anh làm cái nhiệm vụ cao cả ấy - Đảng và Nhà nước, Nhân dân đã làm, đang làm và sẽ làm với một quyết tâm rất lớn và đồng bộ.

Chuyện của mình. Chiếm một phần trăm dân số cả nước, Thừa Thiên Huế cũng phải giải quyết nhiều vấn đề của địa phương mình. Mục tiêu lớn của tỉnh, tựu trung đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế cân bằng với phát triển văn hóa, và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh đang là mục tiêu lớn mà Thừa Thiên Huế theo đuổi. Từ việc phát triển đô thị theo hướng sinh thái, bảo vệ bền vững và phát huy những giá trị văn hóa; từ phát triển những ngành công nghiệp đến nông nghiệp thân thiện với môi trường; từ việc thúc đẩy kinh tế xanh đến kinh tế tuần hoàn… Những mục tiêu này tỉnh đã ấp ủ trong nhiều thập niên qua và gặt hái nhiều thành công. Nay có nhiều điều kiện mới để thực hiện tốt hơn nữa những mục tiêu nói trên.

Ngoài phát huy tốt nội lực, một điều kiện chúng ta đã theo đuổi từ lâu và đã đến trong năm 2021 đó là một Nghị quyết của Quốc hội về những cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế. Và quan trọng nhất là đặc thù về các cơ chế, chính sách để tăng nguồn lực tài chính. Vì sao Trung ương quan tâm nhiều đến Huế? Chúng ta tự hào vì Huế là một thành phố đặc biệt, có nhiều yếu tố đặc trưng về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Không đủ những tiêu chí theo quy định chung để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì Trung ương có quyết sách mới - xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương. Giờ là lúc, Thừa Thiên Huế phấn đấu sống có trách nhiệm với niềm tin cả nước, cũng là sống có trách nhiệm với hơn 1 triệu dân trong tỉnh.

Bài: Nguyên Lê

Ảnh: Nguyễn Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top