ClockChủ Nhật, 31/05/2020 05:44

“Văn hóa phải là nguồn lực cho sự phát triển”

TTH - Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có buổi trò chuyện với TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xung quanh vai trò của ngành văn hóa trong thực hiện Nghị quyết 54.

Chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịchSuy hao nguồn lực - nhìn từ lĩnh vực văn hóaXã hội hóa quảng bá du lịch: “Khoảng cách” giữa Nhà nước & doanh nghiệp

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Ông có thể nói rõ vai trò của di sản văn hóa đối với việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ thế mạnh của Thừa Thiên Huế là di sản văn hóa, môi trường tự nhiên, là bản sắc đặc biệt của văn hóa vùng đất. Đó là cái riêng làm cho Huế trở nên đặc biệt. Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, chúng ta phải ý thức sâu sắc về thế mạnh của mình là văn hóa di sản, là môi trường tự nhiên, là bề dày lịch sử của vùng đất từng là Kinh đô của nhiều triều đại, là sự tích tụ về văn hóa hàng trăm năm, môi trường thiên nhiên vô cùng phong phú với biển cả, sông ngòi, đầm phá, rừng núi…

Để thực hiện thành công Nghị quyết 54, chúng ta cần nhìn nhận lại những hạn chế để rút kinh nghiệm sâu sắc khi không thực hiện thành công Kết luận 48 của Bộ Chính trị, từ đó thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản Nghị quyết 54. Thừa Thiên Huế có trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm văn hóa, di sản hàng đầu của đất nước hay không đều phải dựa trên nền tảng di sản văn hóa, đó là tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Để thực hiện Nghị quyết 54, cần có sự đầu tư cho văn hóa như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, tỉnh rất chú trọng vai trò, vị thế của di sản văn hóa bằng quyết tâm chính trị, qua việc thực hiện một loạt đề án, tiêu biểu là Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, từ đó, thực hiện trùng tu, bảo tồn, khai thác Quần thể Di tích Cố đô Huế. Nhưng, như thế chưa đủ, vì đó mới chỉ là một trong vô số di sản quan trọng của Cố đô Huế. Bước thứ hai, tôi cho rằng quan trọng hơn là phải có đầu tư lớn để từng bước phục hồi, tôn tạo, trùng tu hệ hống di sản, từng bước phục hồi diện mạo của Hoàng cung Huế, phục hồi những di tích nổi bật trong Quần thể Di tích Cố đô, như: Hệ thống lăng tẩm hoàng gia, Văn Miếu, Võ Miếu, hệ thống đàn tế, vườn ngự, những hành cung, Hổ Quyền, điện Voi Ré… đây là những di tích rất độc đáo, chỉ riêng Huế có.

Bên cạnh hệ thống di tích Cố đô, chúng ta còn có hệ thống di sản cũng rất phong phú, độc đáo: hệ thống di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế cần được trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt để nâng cao vị thế di sản và để tạo điều kiện khai thác tốt hơn; hệ thống di tích thời các chúa Nguyễn gắn liền với quá trình khai phương mở đất phương Nam và những di tích gắn liền với triều đại Tây Sơn. Các di tích này cho đến nay mức độ quan tâm đầu tư còn rất khiêm tốn. Đó là chưa kể đến hàng loạt di tích liên quan đến thời tiền sử, di tích Chăm pa… Dĩ nhiên không thể nóng vội trong một vài năm tới có thể làm được ngay mà phải có chiến lược thực hiện trong khoảng 10-15 năm tới.

Chúng ta còn có cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú với các lễ hội, âm nhạc, ngành nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật ẩm thực, lối sống Huế... kho tàng di sản tư liệu đồ sộ, kho tàng cổ vật quý giá đã và đang bị thất tán nghiêm trọng... Trước mắt, ngành văn hóa đề xuất thực hiện tổng kiểm kê toàn bộ di sản, kể cả di sản vật thể và phi vật thể để có sự đánh giá đầy đủ. Từ đó, có quy hoạch chiến lược để từng bước khôi phục, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị.

Là vùng đất văn hóa nhưng Huế vẫn đang thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm, ông có nghĩ thế không?

Một trong những bài học kinh nghiệm cần phải nhìn nhận đó là sự đầu tư cho văn hóa di sản chưa tương xứng, vì vậy rất khó để khai thác phát huy hết tiềm năng giá trị vốn có. Trong chiến lược đầu tư cho văn hóa, tôi nghĩ tỉnh và Trung ương phải ưu tiên hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa. Huế quá thiếu thiết chế văn hóa, hệ thống nhà hát, thư viện, bảo tàng... chưa tương xứng với vị thế của vùng đất, cần phải được ưu tiên đầu tư mới có thể khai thác tốt các giá trị văn hóa.

Trước mắt, ngành văn hóa cần ưu tiên đầu tư cho hệ thống bảo tàng. Hiện nay, trong 5 bảo tàng công lập chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng, 4 bảo tàng còn lại đều mượn tạm các không gian di tích, không phù hợp. Huế cần phải có một bảo tàng đúng nghĩa, hiện đại, mang tầm vóc thế giới để không chỉ cho hiện tại mà rất lâu sau này con cháu chúng ta vẫn có thể tự hào. Sau này, khi Thừa Thiên Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì có thể tích hợp thành một bảo tàng Huế tổng hợp về vùng đất Cố đô, bao gồm cả lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…

Ngoài ra, cần có nhà hát thính phòng đúng nghĩa dành cho ca Huế vì chúng ta đang quyết tâm đưa ca Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Du khách đến Huế muốn thưởng thức ca Huế thính phòng thì cần có không gian văn hóa tương ứng thật đẳng cấp người ta mới hình dung được đó là không gian của quý tộc xưa. Bên cạnh đó là một trung tâm lưu trữ - thư viện, trung tâm hội nghị quốc tế xứng tầm để thu hút các hội nghị quốc tế có quy mô lớn. Những thiết chế này không chỉ có lợi cho việc quảng bá vai trò, vị thế văn hóa của vùng đất mà còn góp phần quan trọng để khai thác phục vụ kinh tế, du lịch, dịch vụ.

Như ông vừa nêu thì để thực hiện thành công Nghị quyết 54, ngành văn hóa đóng vai trò “chủ công”?

Chắc chắn rồi, ngành văn hóa sẽ là đơn vị chủ công trong việc thực hiện Nghị quyết 54. Ngành văn hóa đang tích cực phối hợp với các ngành tham mưu xây dựng Bộ tiêu chí đặc thù phù hợp nhất cho Thừa Thiên Huế.

Chúng tôi bắt đầu bằng kế hoạch tổng kiểm kê di sản. Sau đó là xây dựng hồ sơ cho Ca Huế; xây dựng hồ sơ cấp quốc gia đặc biệt cho hệ thống di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng đề án bảo tồn, trùng tu di tích ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế, đề xuất xây dựng chiến lược đào tạo và thu hút người tài cho lĩnh vực văn hóa di sản…

Để thực hiện được những trọng trách trên, không thể không chú trọng đến việc đầu tư cho nhân tố con người?

Đúng vậy! Cái đầu tư lớn nhất là đầu tư cho con người, bởi thành bại đều do con người. Trước đây, Huế là nơi hội tụ các nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ… Nhiều bậc tiền bối làm trong ngành văn hóa là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Nhưng giờ những người làm văn hóa có tầm rất hiếm. Có vẻ như, văn hóa chưa được coi trọng, mức độ thu hút nhân tài trong ngành chưa tương xứng.

Tương lai, việc thu hút nhân tài cho lĩnh vực văn hóa di sản cần được tính đến, bởi đây là lĩnh vực mạnh nhất của Huế. Cần có hệ thống chính sách tốt để thu hút nhân tài, những người có tài năng, tâm huyết, yêu quý di sản văn hóa và mong muốn được cống hiến cho Huế; phải đào tạo để không bị hẫng hụt trong tương lai. Tôi ước ao những cán bộ văn hóa trong tương lai phải là những người có tài năng, vừa am hiểu sâu sắc về văn hóa, vừa có tâm huyết, nhiệt tình, có như vậy văn hóa mới được nâng cao vị thế.

Ông có cho rằng, cần thay đổi tư duy, nhìn nhận đối với vai trò của văn hóa, vì đôi khi, văn hóa vẫn chưa thật sự được xem trọng?

Đây là điều tôi luôn đau đáu. Từ khi về ngành văn hóa, tôi vẫn luôn nói với anh em trong ngành: bản thân mình cũng phải thay đổi nhận thức. Mỗi người phải ý thức công việc của mình rất quan trọng, thực sự tôn trọng văn hóa thì mới thay đổi được tư duy. Từ đó đấu tranh để làm cho cộng đồng thực sự coi trọng văn hóa, chứ không phải có cũng được, không cũng được. Từ lãnh đạo đến người dân phải thay đổi tư duy, coi văn hóa di sản thật sự là nguồn lực cho sự phát triển, vì đó cũng là tinh thần của Nghị quyết 54.

Để làm được điều này phải có chiến lược, từ việc giáo dục trong trường học đến truyền thông, quảng bá gắn với việc đưa di sản đến cộng đồng để người dân được hưởng lợi. Người dân được hưởng lợi từ việc khai thác văn hóa di sản thì sẽ đề cao, thay đổi nhận thức.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi này!

MINH HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó

TIN MỚI

Return to top