ClockThứ Ba, 17/09/2019 05:45
KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI (19/9/1889-19/9/2019)

Suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước

TTH - Mới đây, tại Hà Nội, hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam” đã được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân sự đóng góp to lớn của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Một tấm gương về thanh liêm, chính trực, thương dân

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội). Trước Cách mạng tháng Tám, khi làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), cụ đã đề xuất và tổ chức thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn- một công trình trị thủy lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng về dân sinh và kinh tế nông nghiệp cho Nhân dân địa phương.

Năm 1925, trước việc báo chí phản ánh cảnh phu điền ở Nam Kỳ bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam Triều đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn vào thanh tra các đồn điền cao su của Pháp tại Nam Kỳ. Sau khi tiến hành điều tra trực tiếp, thấu đáo tại 45 đồn điền cao su, cụ viết báo cáo, kiến nghị dày 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan, công minh và đầy đủ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Nhờ đó, nhà đương cục lúc bấy giờ chấp nhận giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su. Khi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, cụ được mời tham dự phiên tòa đề hình xét xử đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi nghị án, thực dân Pháp đã định án tử. Do khâm phục tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tìm mọi cách để giảm tội tử hình xuống khổ sai đày đi Côn Đảo.

Sau này, trên cương vị Thượng thư Bộ Hình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa trên 17 tỉnh, đạo thuộc Trung Kỳ. Cụ cũng đã tấu trình và được nhà vua chấp thuận việc biên soạn, ban hành một số luật mới có nội dung tiến bộ, tổ chức các tòa án và quy định cơ chế tư pháp tân tiến…

Trong thời gian làm quan đại thần trong triều Nguyễn ở Huế, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Cụ được nhà vua sủng ái, các quan trong triều kính trọng, nhân viên và quan chức dưới quyền ngưỡng mộ, Nhân dân kính trọng, tin cậy.

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy bức thư trân trọng mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia việc nước. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời tham gia Ủy ban kiến thiết quốc gia; tham gia Ban Cố vấn riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rồi trở thành Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I (tháng 11/1946), cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, cụ đã phát huy vai trò, trách nhiệm và có những đóng góp cho hoạt động lập pháp, nhất là tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp. Đáng chú ý, ngày 17/12/1946, Hội đồng Chính phủ họp có sự tham gia của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Đây là cuộc họp quan trọng, nghe đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng và một số nơi khác; Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước. Sau cuộc họp này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước và ban bố Chỉ thị kháng chiến của Đảng. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Trên cương vị là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, tham gia bàn bạc, góp ý kiến các chủ trương lớn, chính sách của Chính phủ và tham gia giám sát các công việc thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc. Với tinh thần trách nhiệm cao, cụ đã tham gia đóng góp cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947; chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, lấy nguyện vọng Nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến. Ngoài ra, cụ Bùi Bằng Đoàn còn tham gia các hoạt động đối ngoại.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Thời gian này, công việc của Quốc hội cũng như các cơ quan Trung ương rất bộn bề. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều ý kiến đóng góp cùng Ban Thường trực Quốc hội trong việc tiến hành ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội; xem xét việc chuẩn bị thông qua nhiều văn bản pháp luật của Chính phủ, nhằm đảm bảo thành công trong công việc kiến quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của toàn dân.

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa I là nhiệm kỳ Quốc hội đi cùng với công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Với trọng trách là một trong những người đứng đầu Quốc hội trong giai đoạn này, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.

 Thùy Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ Đại tướng Lê Đức Anh

Những ngày Tháng tư này, chúng tôi có dịp về lại quê hương Đại tướng Lê Đức Anh - xã Lộc An (Phú Lộc). Nơi đây còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng - nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của đất nước.

Nhớ Đại tướng Lê Đức Anh
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top