ClockThứ Tư, 26/07/2017 10:20

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi

TTH.VN - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015 và Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017.

Phân cấp địa phương tổ chức cấp phép

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và luồng đường thủy nội địa, trong đó lưu ý quy định phân cấp giao địa phương tổ chức cấp phép, thực hiện các dự án nạo vét, duy tu các tuyến luồng có tận thu sản phẩm, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2017 để triển khai thực hiện từ năm 2018.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy, kiên quyết xử lý phương tiện hoạt động không có đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi quá tải, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Rà soát các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa; đối với các dự án cấp bách, đúng quy hoạch, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật của tuyến luồng và môi trường cho phép tiếp tục thực hiện trên cơ sở phối hợp, thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện dự án; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá tình trạng biển xâm thực; nghiên cứu, lập phương án sử dụng nguồn cát nhiễm mặn thu hồi từ các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải để bồi đắp những khu vực bờ biển bị xâm thực, công trình lấn biển, chống biến đổi khí hậu; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phát triển bền vững khu vực bị ảnh hưởng từ việc khai thác cát, vấn đề sạt lở ven sông, ven biển cũng như tác động cộng hưởng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Trung Trung Bộ.

Thành lập Đoàn kiểm tra một số dự án nạo vét

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, khắc phục tình trạng không tương đồng về độ sâu khai thác cát, sỏi lòng sông trong cùng một lưu vực có nguy cơ ảnh hưởng an toàn các công trình thủy lợi; nghiêm cấm quy hoạch khai thác cát sỏi tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các khu vực đang có xu thế thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, kết hợp thu hồi cát; thành lập Đoàn kiểm tra một số dự án nạo vét, khơi thông luồng, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý dự án, nhất là các dự án gây bức xúc dư luận xã hội đã được báo chí phản ánh.

Bộ Công an chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại các địa phương; chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Đẩy mạnh sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tăng cường hướng dẫn việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong xây dựng; bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp; đẩy mạnh việc nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu san lấp và làm vật liệu xây dựng trong nước; đồng thời xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng loại vật liệu này.

Khẩn trương rà soát, xác định cân đối cung - cầu cát, sỏi xây dựng và cát san lấp trong nước, đề xuất giải pháp sử dụng các vật liệu thay thế nhằm tiết kiệm tài nguyên cát, sỏi; đồng thời phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan có các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt về vật liệu xây dựng hiện nay cũng như thời gian tới.

Ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa chứng từ đầu vào

Bộ Tài chính phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi xây dựng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, sử dụng bất hợp pháp, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với cát, sỏi xây dựng mua vào; chỉ đạo các đơn vị Thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn; có giải pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi và chống thất thu ngân sách nhà nước.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc không khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo điều kiện kinh doanh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các đơn vị khai thác cát chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thả phao, cắm mốc khu vực khai thác, thông báo niêm yết công khai thông tin của mỏ về diện tích, số lượng tàu hoạt động... để các lực lượng chức năng và nhân dân giám sát; kiểm tra toàn diện các bến, bãi kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn; kiên quyết xử lý những bến, bãi lập sai quy định để lợi dụng tiêu thụ cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh trong việc quản lý khoáng sản nói chung và khai thác cát, sỏi lòng sông nói riêng; xử lý nghiêm các tụ điểm khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, lập bến bãi thu mua cát, sỏi trái phép. 

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đặc biệt chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ được đặt ra tại hội nghị triển khai hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 20/12.

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số
Return to top