Cựu TNXP xã Quảng Phú (Quảng Điền) với mô hình trồng mía
Cựu TNXP Nguyễn Trọng Thanh, trú tại xã Hương Hòa (Nam Đông) là người luôn tiên phong trong làm kinh tế, nâng cao cuộc sống gia đình. “Năm 1975, từ Vinh Hiền (Phú Lộc), tui hăng hái vác ba lô lên vùng đất Nam Đông khai hoang, vỡ đất phát triển kinh tế. Ngày mới lên, chứng kiến lau lách, rừng cây rậm rạp cũng nản chí, nhưng nghĩ lại, mình từng là TNXP phải biết vượt qua khó khăn, gian khổ. Nghĩ thế, tui đã cùng với gia đình ngày ngày phát nương, mở đất. Khai hoang đến đâu, tui trồng cây đến đó. Công sức đổ ra đã được đền đáp xứng đáng. Hiện tui có 2 ha cao su, 1 ha keo, 0,5 ha sắn, 5 sào lúa, 5 ao hồ nuôi cá và nhiều loại máy móc khác. Mỗi năm gia đình thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng”, ông Thanh xởi lởi .
Nhiều người vẫn thường nhắc đến ông Lê Viết Toàn, một cựu TNXP ở thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) với biệt danh “Nghệ nhân thổi hồn vào cây khô”. Trong câu chuyện, ngoài những tháng năm gắn bó với rừng, ông Toàn say sưa kể về “cơ duyên” mình đến với nghề điêu khắc gỗ. “Ngay từ khi biết cầm cưa, cầm đục, tui đã tự mình mày mò đục, đẽo, rồi bén duyên với nghề lúc nào không hay. Làm cái nghề này trước hết phải kiên nhẫn, chịu khó mới mong theo nghề được. Đặc biệt, phải thả hồn vào đó mới có những sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ tinh xảo”, ông Toàn chia sẻ.
Ngày qua ngày, công việc của ông Toàn bắt đầu từ lúc chọn ra từng khúc gỗ, rồi đem sơ chế, đục thô, đến chạm khắc tinh xảo hay tạo hình. Đôi bàn tay ấy không ngừng sáng tạo để vẽ nên sắc màu cuộc sống. Sản phẩm của ông đa dạng, khi thì đề tài chiến tranh, lúc khác lại là gia đình hay một nhân vật nào đó mà ông yêu thích. Trong một lần sinh nhật Bác, ông Lê Viết Toàn đã hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh 3 bức chạm khắc hình ảnh Bác Hồ trên gỗ quý do ông chế tác từ năm 2002, gồm: “Bác Hồ trong Chiến dịch 1950”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Tổng tư lệnh tối cao” và “Giờ phút lịch sử”. Hiện bộ ba tác phẩm đang được lưu giữ tại bảo tàng để khách tham quan, chiêm ngưỡng.
Ông Lê Viết Toàn tự hào: “Năm 2016, tui được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú”, UBND tỉnh công nhận Nghệ nhân mộc kỹ nghệ. Sản phẩm ở cơ sở làm ra không chỉ đem đi tiêu thụ khắp cả nước, mà còn phục vụ các cuộc triển lãm về mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây thực sự là niềm khích lệ, động viên lớn để tui càng phấn đấu nhiều hơn nữa trong nghề điêu khắc gỗ ”.
Theo ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Phú Lộc, trên địa bàn huyện hiện có 215 hội viên cựu TNXP, trong đó gần 100% hội viên được hưởng chế độ trợ cấp theo chính sách Nhà nước. Tuy còn những khó khăn, nhưng với tinh thần đồng chí, anh em, các hội viên sẵn sàng giúp đỡ nhau làm kinh tế để thoát nghèo. Nhờ vậy, đa số hội viên đều có cuộc sống ổn định”.
Nhiều cựu TNXP từ tỉnh đến cơ sở luôn nêu gương sáng, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tích cực tăng gia, sản xuất, nâng cao đời sống gia đình. Đơn cử, ở Quảng Điền có các cựu TNXP Nguyễn Xuân Mãng, Lê Ngọc Minh đi đầu trong chăn nuôi, trồng trọt; A Lưới có cựu TNXP Trần Thị Tuất trồng rừng cho thu nhập cao; cựu TNXP Nguyễn Văn Bình tích cực trong việc tìm kiếm đồng đội. Huyện Nam Đông có nữ cựu TNXP Hồ Thị Hồng hăng hái trồng rừng phát triển kinh tế...
Hội cựu TNXP tỉnh hiện có 4.180 hội viên, sinh hoạt ở 9/9 hội cấp huyện, thị, thành phố và 65/65 hội cơ sở. Từ năm 2012 đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 81 Nhà tình nghĩa, tặng 175 sổ tiết kiệm và hơn 1.000 phần quà giúp đỡ hội viên và gia đình hội viên khó khăn... |
Bài, ảnh: Anh Phong